Thu hút khách ngoại: Hãy gây thương nhớ bằng những “điểm chạm”

Thu hút khách ngoại: Hãy gây thương nhớ bằng những 'điểm chạm'

Nhiều "nút thắt" chính sách muốn tháo gỡ cần thời gian, song để núi chân du khách ở lại lâu và trở lại nhiều hãy "gây thương nhớ trong lòng họ từ những điểm chạm đầu tiên đến điểm chạm cuối cùng..."
Du khách trải nghiệm thiên nhiên Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Sau một năm mở cửa, ngành du lịch nước nhà vẫn còn vô số “dư chấn” cần giải quyết cũng như cần thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để thu hút khách quốc tế đến.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra việc Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục xuất nhập cảnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới; xây dựng các chuỗi liên kết tạo khả năng cạnh tranh với các nước khác cho từng loại hình du khách; khuyến khích sáng tạo, tận dụng các ý tưởng mới trong phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch…

[Du lịch Việt Nam: Chặng đường sau 1 năm phục hồi từ con 'số âm']

Đây là một trong các nội dung chính của cuộc Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế,” vừa diễn ra sáng nay, ngày 22/3, do Báo Đầu tư tổ chức.

Du lịch Việt Nam “lép vế”

Theo tiến sỹ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định triển vọng cho du lịch Việt Nam năm 2023 là lạc quan một cách thận trọng

Tiến sỹ Ribeiro chia sẻ: “Những nỗ lực của chính phủ trong việc quảng bá Việt Nam như một điểm đến ‘xanh,’ bền vững đã mang lại một số kết quả hiện hữu, ví dụ như dự án du lịch sinh thái ở Phú Yên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một số chỉ số cho thấy sự cải thiện của Việt Nam, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt thứ hạng cao. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 52 trong chỉ số Năng lực phát triển du lịch Việt Nam (TTDI), tăng tám bậc so với năm 2019. Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 23 trong chỉ số Rủi ro lợi nhuận châu Á-Thái Bình Dương theo Fitch Solutions.”

Chuyên gia này đánh giá Việt Nam sẽ ngày càng thu hút những du khách tìm kiếm các điểm đến bền vững và sẽ cung cấp các sản phẩm du lịch tích hợp, bao gồm các điểm đến truyền thống có nắng, biển và cát như Phú Quốc, các điểm đến di sản văn hóa như Hội An và các trung tâm đô thị thú vị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia, những thị trường đã nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 và đã được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh và thị thực ít nghiêm ngặt hơn,” tiến sỹ Ribeiro nói.

Quả thực, trong các yếu tố đang là rào cản thu hút khách quốc tế đến thì những hạn chế từ chính sách thị thực mà Việt Nam đang áp dụng là một bất lợi, khiến chúng ta “lép vế” trong cạnh tranh với các nước.

Về vấn đề này, ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhận định chính sách visa hiện tại của Việt Nam quá hạn chế và phức tạp so với các nước như Singapore, Thái Lan. Trong khi Thái Lan hiện đang cấp thị thực lên đên 60 ngày, Peru miễn visa đến 90 ngày… thì Việt Nam mới cho khách 15 ngày.

“Visa điện tử chưa được cho phép áp dụng lại một cách đầy đủ, chúng tôi đã khuyến nghị chính phủ Việt Nam mở rộng visa điện tử cho một số nước. Việt Nam đang xúc tiến việc này, song cá nhân tôi thấy các hoạt động triển khai còn rất chậm,” ông Martin Koerner nhấn mạnh và nêu bài học từ Thái Lan là nước triển khai các quyết định mới rất nhanh.

Ngoài ra, theo chuyên gia này Việt Nam cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt dịch vụ ở cửa khẩu xuất nhập cảnh: “Khi tôi tới Thái Lan hay các nước châu Á khác, nhân viên ở sân bay là những người tiếp xúc với khách du lịch đầu tiên đều rất thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Trong khi đó, nhân viên sân bay ở Việt nam, nhân viên xuất nhập cảnh rất nghiêm nghị. Nụ cười thể hiện sự sẵn sàng chào đón khách, rất nên có.”

Thiên nhiên tuyệt đẹp ở Sơn Đoòng, Quảng Bình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, theo ông Martin Koerner, có nhiều phản hồi tiêu cực từ khách du lịch, không chỉ cho lữ hành mà còn hàng không, nổi cộm là thủ tục và thời gian xuất nhập cảnh ở các sân bay quốc tế, như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội quá lâu. Điều này gây khó khăn cho du khách có tuổi cao, trẻ em hay doanh nhân có lịch trình dày đặc phải xếp hàng lâu. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề, ông Martin Koerner cho rằng Việt Nam nên bổ sung các làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách nêu trên, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét…

Gây thương nhớ bằng những “điểm chạm”

Theo Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính, điều đáng tiếc là Việt Nam chỉ đón được lượng khách quốc tế bằng một nửa so với Thái Lan trước đại dịch dù sở hữu nhiều lợi thế.

Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành ngày tháng 5/2022, du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả-rập Xê út (tăng 10 bậc). Tuy nhiên, sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến khi trở lại đường đua du lịch sau đại dịch lại là một thực tế buồn mà ngành du lịch đang phải đối mặt.

Ông Chính cho rằng Việt Nam không chỉ cần chú trọng đặc biệt tới việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, bao gồm thị thực điện tử và miễn thị thực như các chuyên gia quốc tế đã nêu, hay tạo điều kiện thuận lợi để mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam và ngược lại mà còn cần sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, máy đọc hộ chiếu để tạo thuận tiện cho công tác quản lý xuất, nhập cảnh.

Hãy mang đến nụ cười cho du khách khi đến trải nghiệm ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Vậy làm thế nào để du khách quốc tế đến Việt Nam đông hơn, ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn và không chỉ đến một lần - câu chuyện muôn thuở vẫn chưa đi đến hồi kết của du lịch nước nhà?

Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group, nếu du lịch Việt Nam muốn đón khách có tiền, đi dài, ở lâu, như khách châu Âu, Australia, Mỹ vốn ưa chuộng thiên nhiên và du lịch trải nghiệm thì phải bảo vệ thiên nhiên, điểm đến luôn xanh, sạch, đẹp và văn minh.

“Muốn đón khách nước ngoài, phải xóa bỏ tâm lý về bảy nỗi sợ khi đến Việt Nam mà du khách quốc tế vẫn truyền tai nhau gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường,” ông Hà nhấn mạnh và gợi ý việc mời các hãng phim lớn thế giới như Hoa Kỳ đến quay và làm phim. Bởi một bộ phim ăn khách có bối cảnh du lịch Việt Nam cũng sẽ tạo nên lực hút hấp dẫn với bạn bè quốc tế.

Đồng tình với các chuyên gia, theo ông Phạm Hà không chỉ giúp du khách nhanh chóng đưa ra quyết định đến Việt Nam với cảm giác được chào đón bằng chính sách miễn thị thực, mang đến cảm xúc vui sướng để họ muốn ở lại lâu hơn bằng cách đáp ứng đúng mong muốn với thời hạn visa 30 ngày hoặc lâu hơn.

“Để du khách thấy vui và không ngần ngại móc hầu bao, du lịch Việt cần tạo ra nhiều trải nghiệm mới. Khu mua sắm, đồ lưu niệm phải đẹp, có nhiều không gian cho khách tham quan, khu vui chơi giải trí được mở muộn, thí điểm một số casino, sân golf, khu đèn đỏ riêng có kiểm soát tốt…,” ông Hà đề xuất.

Điều quan trọng là Việt Nam định vị mình là điểm đến văn hóa hay thiên nhiên. Về vấn đề này, ông Hà cho rằng nếu xác định là điểm đến văn hóa hay điểm đến nghỉ dưỡng biển với nhiều trải nghiệm mới thú vị, cơ sở hạ tầng nâng cấp, thuận tiện thì khách sẽ quay lại thường xuyên hơn.

“Phục vụ tốt du khách đã đến, họ sẽ hết các nỗi sợ như hiện tại. Khách hài lòng, họ sẽ trở lại và giới thiệu nhiều du khách khách đến Việt Nam trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Du lịch Việt phải gây thương nhớ trong lòng du khách từ điểm chạm đầu tiên cho đến điểm chạm cuối cùng trong hành trình trước đó,” ông Hà chia sẻ./.

Vịnh Hạ Long, điểm đến di sản  yêu thích của khách quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục