Thủ tướng Campuchia kêu gọi đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo

Thủ tướng Hun Sen cho rằng tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và Việt Nam là giải pháp mấu chốt để ngành lúa gạo Campuchia tồn tại, trong bối cảnh EU áp đặt một số loại thuế với sản phẩm gạo.
Thủ tướng Campuchia kêu gọi đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo ảnh 1Nông dân Campuchia. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị các nhà xuất khẩu lúa gạo Campuchia nên tập trung vào Trung Quốc và Việt Nam trong một nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). 

Phát biểu tại lễ động thổ một bệnh viện do Trung Quốc tài trợ xây dựng tại tỉnh Tboung Khmum cuối tuần qua, Thủ tướng Hun Sen cho rằng tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và Việt Nam là giải pháp mấu chốt để ngành lúa gạo Campuchia tồn tại, trong bối cảnh EU áp đặt một số loại thuế với sản phẩm gạo Campuchia và khởi động việc tạm thời ngừng quy chế ưu đãi thương mại EBA (Tất cả trừ vũ khí) dành cho đất nước Đông Nam Á này.

Quá trình EU xem xét EBA dành cho Campuchia đã được bắt đầu từ ngày 12/2 và sẽ kéo dài trong 18 tháng.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: “Tại thời điểm giá gạo xuống thấp, tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng nông nghiệp và thương mại tập trung vào Trung Quốc và Việt Nam, các thị trường có thể giúp tăng giá mặt hàng lúa gạo của Campuchia."

[Việt Nam-Campuchia còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại]

Năm 2018, chỉ riêng Trung Quốc đã mua tới 170.000 tấn gạo của Campuchia và trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo người đứng đầu Chính phủ Campuchia, hạn ngạch (quota) mà Chính phủ Trung Quốc dành cho thóc gạo nhập khẩu từ Campuchia dự kiến sẽ tăng từ 300.000 tấn lên 400.000 tấn.

Về tình hình khó khăn của ngành lúa gạo Campuchia hiện nay, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lúa gạo Campuchia (CRF) Hun Lak nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Campuchia là nhân tố sống còn khi “đất nước đang phải đối mặt với việc EU áp thuế nhập khẩu.”

Ông Hun Lak cho rằng quota mới mà Trung Quốc dành cho lúa gạo Campuchia là tín hiệu tốt, nhưng để hoàn tất hạn ngạch này, Chính phủ Campuchia phải hỗ trợ khu vực tư nhân bằng các ưu đãi để giảm giá thành lúa gạo, tăng sức cạnh tranh mặt hàng này của Campuchia tại thị trường Trung Quốc.

Lượng gạo xuất khẩu của Campuchia trong tháng 1/2019 đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, ghi dấu lượng gạo xuất khẩu của đất nước Chùa tháp sụt giảm liên tục 12 tháng qua.

Các số liệu mới được công bố cho thấy Campuchia đã xuất khẩu 59.625 tấn gạo trong tháng 1/2019, giảm đáng kể so với mức 62.623 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Khoảng 40,7% số gạo Campuchia xuất khẩu trong tháng 1/2019 (tương ứng 23.899 tấn) là tới các thị trường Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Trung Quốc nhập khoảng 18.671 tấn, các nước ASEAN là 9.226 tấn và các thị trường còn lại khoảng 7.839 tấn.

Năm 2018, Campuchia xuất tổng cộng 626.225 tấn gạo sang các thị trường quốc tế, giảm 1,5% so với năm 2017.

Việc EU thực hiện áp thuế trở lại với lúa gạo Campuchia trong vòng 3 năm tới, đã đặt ra những thách thức to lớn cho lĩnh vực xuất khẩu gạo nước này.

Theo nhiều chuyên gia, tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nhiều với các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia sang EU, nếu khối này quyết định hủy bỏ ưu đãi EBA dành cho Campuchia.

Hồi tháng 1/2019, ông Chan Sophal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách thuộc Hiệp hội Kinh tế Campuchia (CEA), cho rằng để bù đắp chi phí thuế, nông dân trồng lúa của Campuchia sẽ phải cắt giảm chi phí sản xuất, thậm chí chuyển đổi hoàn toàn cây trồng của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.