Thủ tướng đồng ý cho An Giang đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh An Giang, Thủ tướng ủng hộ các kiến nghị của tỉnh về việc đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao, nhưng yêu cầu tỉnh cần xác định sản phẩm đầu ra.
Thủ tướng đồng ý cho An Giang đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt tỉnh An Giang. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước thềm Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiều 14/3, tại Thành phố Long Xuyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh An Giang – một trong những thủ phủ lúa gạo của thế giới.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng lưu ý An Giang cần nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của các mặt hàng lương thực xuất khẩu.

An Giang là một trong 4 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gần đây gặp khó khăn do biến đổi khí hậu và thời tiết diễn biến phức tạp.

An Giang đang quyết tâm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào ba mặt hàng chính là thủy sản, lúa gạo và phát triển các mô hình chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn và bò. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng trồng các loại cây ăn trái đặc sản để sản xuất hàng hóa. Định hướng của tỉnh là phát triển thành trung tâm giống của vùng, kể cả các giống lúa, thủy sản, lợn, bò. 

An Giang kiến nghị Thủ tướng cho tỉnh thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô từ 200 đến 300 ha; xây dựng dự án liên kết sản xuất giống cá tra ba cấp, chất lượng cao cung cấp cho An Giang và toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; xây dựng Trung tâm lợn giống công nghệ cao với số lượng giống cung ứng có thể lên tới 650.000 con mỗi năm. Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét cho tỉnh được thực hiện Dự án năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư trên 4.750 tỷ đồng, công suất 210 MW.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng hoan nghênh những định hướng phát triển của An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống lúa, cá, lợn phục vụ cho An Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ trong đầu tư phát triển, Thủ tướng đề nghị tỉnh kêu gọi vốn tư nhân và các thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng và các dự án khác.

Thủ tướng ủng hộ các kiến nghị của tỉnh về việc đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao, nhưng yêu cầu tỉnh cần xác định sản phẩm đầu ra để có cơ cấu cũng như quy mô phù hợp.

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương đối với đề xuất của tỉnh xây dựng liên kết sản xuất giống cá tra ba cấp, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho tỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho phép An Giang thực hiện thí điểm công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thủ tướng cũng đồng ý để An Giang triển khai Dự án năng lượng Mặt Trời nhưng phải tính toán diện tích phù hợp, không gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đảm bảo phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng đồng ý cho An Giang đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm ruộng khảo nghiệm tại Tập đoàn Lộc Trời. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng đã tới thăm Trung tâm nghiên cứu khoa học Định Thành tại huyện Thoại Sơn, An Giang. Đây là một trong những cơ sở nghiên cứu lúa gạo thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên do Tập đoàn Lộc Trời xây dựng và triển khai với nhiều thành phẩm khoa học có giá trị kinh tế cao, mang tính đột phá phục vụ sản xuất nông nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mô hình nghiên cứu, tổ chức sản xuất được triển khai tại Trung tâm nghiên cứu Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời là mô hình mang tính hạt nhân của sản xuất chuỗi từ các khâu nghiên cứu, lựa chọn giống, trồng trọt đến tiêu thụ.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn kiến nghị Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp trong việc bảo vệ bản quyền của các nhà khoa học nghiên cứu về lúa gạo. Đặc biệt, Nhà nước cần sớm cải thiện, đổi mới chính sách hạn điền, tích tụ ruộng đất để cởi trói cho người nông dân và doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn sản xuất nông nghiệp.

Đánh giá cao thành tựu trong nghiên cứu khoa học, tổ chức sản xuất và những cống hiến của Tập đoàn Lộc Trời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Lộc Trời đã gây dựng thành công một mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giá trị kinh tế cao trên cơ sở phát huy thành tựu của khoa học công nghệ. Đây là hướng đi đúng đắn vì mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, củng cố vị trí hàng đầu của Việt Nam về xuất khẩu lúa gạo trên thị trường thế giới.

Thủ tướng đánh giá, mô hình của Lộc Trời cũng một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí hết sức quan trọng của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh tỷ lệ các hộ gia đình sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp vẫn đang chiếm phần lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Nhất trí với những kiến nghị của Tập đoàn Lộc Trời và đánh giá cao việc các kỹ sư của Tập đoàn đã 3 cùng và từng bước chuyển giao công nghệ để người nông dân làm chủ mô hình sản xuất, Thủ tướng mong muốn Tập đoàn không chỉ dừng lại ở công tác nghiên cứu mà với thương hiệu mạnh, chất lượng tốt, sản phẩm lúa gạo của Lộc Trời cần được nhân rộng, phổ cập tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả các tỉnh miền Bắc.

Với nhiều bộ môn nghiên cứu mang tính ứng dụng cao phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp bao gồm: Di truyền chọn giống, Bảo vệ thực vật, Khoa học đất và nông học, Vi sinh, Cơ khí nông nghiệp, Chế biến lương thực, thực phẩm… 1300 kỹ sư nông nghiệp tại Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm với 40 nghìn nông dân để sản xuất gạo hữu cơ, gạo sạch, chất lượng cao để hình thành vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị lúa gạo.

Tiêu biểu trong những sản phẩm khoa học của Tập đoàn Lộc Trời là giống gạo Hạt Ngọc Trời ra đời và từng bước chiếm vị trí quan trọng trên thị trường xuất khẩu thế giới. Việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, quy trình canh tác cho đến bảo quản, chế biến đã giúp gạo Hạt Ngọc Trời luôn ổn định về chất lượng.

Thương hiệu Hạt Ngọc Trời phân khúc ra nhiều dòng sản phẩm. Riêng về gạo trắng có Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ, Bắc Đẩu, Thiên Long, Phượng Hoàng, Bạch Dương rất được ưa chuộng trên thị trường. Đặc biệt, Hạt Ngọc Trời đã sản xuất thành công gạo mầm dinh dưỡng VIBIGABA mang hàm lượng GABA tự nhiên cao gấp 6-10 lần so với gạo dinh dưỡng thông thường. Giúp tăng cường sức đề kháng, khả năng miễn dịch và chống lão hóa, được khách hàng mọi lứa tuổi yêu thích. Sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời đã vinh dự đạt giải Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong Hội nghị thương mại lúa gạo hằng niên do The Rice Trader tổ chức tại Malaysia vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.