Thủ tướng Đức khẳng định độc lập trong việc lựa chọn chính sách

Bà Merkel khẳng định Berlin độc lập trong các lựa chọn chính sách sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Berlin "hoàn toàn bị Nga kiểm soát."
Thủ tướng Đức khẳng định độc lập trong việc lựa chọn chính sách ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin độc lập trong các lựa chọn chính sách.

Lời tuyên bố này được xem là phản ứng của nhà lãnh đạo Đức trước cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng Berlin "hoàn toàn bị Nga kiểm soát."

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ cáo buộc Đức trở thành "tù nhân" của các nguồn cung năng lượng từ Nga và chậm chạp trong việc tăng chi tiêu quốc phòng, phát biểu với báo giới ngay khi tới Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bà Merkel cho biết bản thân bà đã trải qua thời kỳ chiến tranh Lạnh và ngày nay, nước Đức đã thống nhất trong tự do, trở thành nước Cộng hòa Liên bang Đức. Do vậy, nước Đức có thể khẳng định "có khả năng tự đưa ra các chính sách độc lập và tự đưa ra các quyết định độc lập."

[Thủ tướng Đức Merkel định hướng về tương lai của NATO]

Về phần đóng góp của Đức trong NATO, Thủ tướng Merkel khẳng định "Đức đóng góp rất nhiều cho NATO, là quốc gia đóng góp số binh sỹ lớn thứ nhì, và dành phần lớn nhất tiềm lực quân sự của mình cho NATO."

Theo bà Merkel, việc Đức đến nay vẫn can dự quân sự mạnh mẽ tại Afghanistan đã chứng tỏ rằng nước này cũng đang bảo vệ lợi ích cho cả Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ đã công khai chỉ trích Đức vì đã không tăng chi tiêu quốc phòng. Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Donald Trump nêu rõ Đức là một nước giàu có, do đó Berlin có thể tăng chi tiêu quốc phòng ngay lập tức.

Từ khi đắc cử đến nay, Tổng thống Mỹ luôn gay gắt chỉ trích các nước đồng minh NATO không công bằng khi dựa vào Mỹ để chi trả các hóa đơn về ngân sách quốc phòng.

Chỉ 8 trong số 29 nước thành viên NATO hiện đáp ứng mục tiêu chi tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho hoạt động quốc phòng, bao gồm Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Estonia, Romania và Litva. Mục tiêu này đã được đề ra từ Hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales năm 2014, và các nước đồng minh đã nhất trí hoàn thành mục tiêu trước năm 2024.

Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel trong ngày 11/7 bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.