Tại kỳ họp bất thường của quốc hội, triệu tập ngày 4/10 và dự kiến kéo dài đến tháng 12 tới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chính sách điều hành và quản lý nhà nước tại Nhật Bản.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Abe, lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền, nhấn mạnh kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông và các thành viên nội các trong tình hình mới, khi quyết định tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10 giữa lúc kinh tế trong nước suy giảm liên tục gia tăng sức ép lên cán cân thu-chi của chính phủ. Trong khi đó, các khoản chi, trong đó có khoản chi cho phúc lợi xã hội, không ngừng "phình to" do số lượng người già tăng.
Thủ tướng Abe thừa nhận những nguy cơ kinh tế Nhật Bản suy giảm đã ngày hiện hữu. Ông cam kết chính phủ sẽ triển khai các biện pháp linh hoạt và cụ thể để đảm bảo nhanh chóng vực dậy nền kinh tế theo con đường tăng trưởng.
Ông Abe cũng liệt kê một số yếu tố bên ngoài tác động đến kinh tế Nhật Bản như những tranh cãi về thương mại gần đây với Hàn Quốc, cuộc "ly hôn" giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU),...
Phát biểu với các nghị sỹ, Thủ tướng Abe một lần nữa hối thúc các nhà lập pháp thảo luận về việc sửa đổi bản hiến pháp từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.
[Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% sau hai lần lỡ hẹn]
Thủ tướng Abe nhấn mạnh để đảm bảo hệ thống an sinh xã hội có thể đối phó với cuộc khủng hoảng dân số đang ngày càng nghiêm trọng - trong đó tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp, một nền kinh tế vững mạnh, tăng trưởng cao là quan trọng nhất. Và đây cũng là thách thức lớn nhất hiện nay đối với Nhật Bản.
Nhằm giảm thiểu những tác động của dân số già, Thủ tướng Abe đã chỉ thị cho các thành viên nội các sớm tìm ra các biện pháp cụ thể. Hướng đi chính sẽ là làm sao để khuyến khích người cao tuổi làm việc lâu hơn và tiếp tục đóng thuế. Điều này sẽ giúp chính phủ giảm bớt gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội hiện nay và trong những năm tới.
Kế hoạch đang được xem xét gồm khuyến khích các công ty thuê những người muốn làm việc đến 70 tuổi và thu hẹp hoặc hủy bỏ hệ thống giảm trợ cấp của những người vẫn có thu nhập ở mức nhất định.
Ủy ban phụ trách giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân khẩu, gồm 16 thành viên, trong đó có những nhân vật từng làm kinh doanh, học thuật và bộ trưởng, sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo báo cáo về cách thức giải quyết vấn đề hiện nay theo hai giai đoạn. Dự kiến báo cáo tạm thời sẽ được đưa ra vào trước cuối năm nay và báo cáo cuối cùng sẽ được công bố vào mùa Hè năm 2020.
Dự báo chi tiêu vào phúc lợi xã hội của Nhật Bản, trong đó có lương hưu và y tế, sẽ tăng mạnh vào năm 2022, khi thế hệ hậu chiến Nhật Bản sẽ bước sang tuổi 75 hoặc già hơn./.