Sáng 10/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát lệnh khởi công Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Cách đây 41 năm, vào năm 1979, cả nước đã hướng về Hòa Bình mừng lễ khởi công công trình thế kỷ - Nhà máy thủy điện Hòa Bình, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, mở đầu cho “bản hùng ca của ngành Điện lực Việt Nam thế kỷ 20.”
Với công suất 1920MW, ngoài nhiệm vụ chính là nguồn cung cấp điện chủ lực cho hệ thống điện quốc gia, Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ chống lũ cho Hà Nội và vùng hạ du, đảm bảo lưu lượng nước tưới phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho đồng bằng Bắc Bộ.
Hơn 3 thập kỷ đi vào vận hành, Nhà máy thủy điện Hòa Bình không chỉ là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị bền vững và tốt đẹp giữa Việt Nam-Liên Xô mà còn trở thành biểu tượng của ngành Điện Việt Nam.
Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư là 9220,83 tỷ đồng; trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại bao gồm nguồn vốn vay thương mại trong nước là 4000 tỷ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ là 70 triệu EUR của Cơ quan phát triển Pháp (AfD).
Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Tư vấn thiết kế dự án là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1.
Tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt 2400 MW.
Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
[Khám phá hồ Hòa Bình: Trải nghiệm thú vị dành cho du khách]
Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay.
Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy.
Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62ha; trong đó có 69,30ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ mang lại các hiệu quả: Tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý III năm 2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý 4 năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Những công trình thủy điện trên dòng sông Đà là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình là biểu tượng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay với hàng vạn lao động hăng say trên công trường.
Đây cũng là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Trong suốt những năm qua, biết bao xương máu, mồ hôi của các công nhân, lao đông, kỹ sư… đóng góp cho công trình đặc biệt này.
Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình là sáng kiến quan trọng từ kết quả nghiên cứu của EVN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tựu của ngành Điện Việt Nam góp phần phát triển đất nước trong mọi điều kiện hạn hán, lũ lụt, thiên tai, trực tiếp đóng góp cho sản xuất kinh doanh; hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
99,3% số hộ nông thôn có điện, nhiều đảo xa có điện... Chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện, tăng 159 bậc, xếp thứ 27/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, là một chỉ số quan trọng về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng nêu rõ, Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất 3 nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu lên trên 6000MW; đóng góp tích cực vào việc cung ứng điện cho phát triển đất nước.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị cho việc khởi công dự án của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, tỉnh Hòa Bình và EVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là dự án lớn, thi công phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho EVN và các đơn vị thi công liên quan là rất nặng nề, do đó cần phấn đấu hoàn thành trước nửa năm, sớm đưa dự án vào hoạt động.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, an toàn lâu dài; không được để bất cứ sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết bình thường. Cùng với đó là đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công; hạn chế ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trên địa bàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình phấn đấu hoàn tất sớm công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh, an toàn cho công trường.
EVN, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; tuyệt đối không lơ là trong việc đảm bảo nguồn điện cho đất nước./.