Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh các ưu tiên nhằm cải thiện kinh tế đất nước

Thủ tướng Thái Lan cho biết chính phủ đặt ưu tiên nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, thúc đẩy thương mại biên giới và tăng cường lao động có tay nghề.

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu tại Bangkok ngày 4/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu tại Bangkok ngày 4/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/12, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đánh giá kinh tế nước này đang đối mặt với khủng hoảng, đặc biệt là vấn đề mức lương thấp, đồng thời bày tỏ quan ngại về triển vọng kinh tế của đất nước trong năm tới.

Trong tuyên bố, Thủ tướng Srettha cho biết chính phủ đang ưu tiên nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), vốn bị đình trệ từ năm 2014.

Ông nhấn mạnh chính phủ coi trọng vấn đề này hơn cả những dự án cải thiện cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Srettha cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại biên giới, tăng cường lao động có tay nghề và nhân lực được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong lĩnh vực năng lượng, nhà lãnh đạo Thái Lan cho biết chính phủ đang nỗ lực hạn chế giá điện trong năm tới ở mức 4,2 baht/kWh, nhằm hỗ trợ khu vực công nghiệp và các hộ gia đình.

Động thái này diễn ra sau khi Ủy ban Điều tiết Năng lượng ngày 30/11 thông qua việc tăng giá điện thêm 17,3% từ mức 3,99 baht/kWh hiện nay lên 4,68 baht/kWh, áp dụng từ tháng 1-4/2024.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Srettha cho rằng Thái Lan nên chuyển sang phương án sử dụng điện bền vững trong dài hạn, chẳng hạn như sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong diễn biến khác, tổng cộng có 88.954 người trên toàn Thái Lan đã đăng ký tham gia chương trình xóa nợ của chính phủ sau quá trình đăng ký kéo dài 12 ngày và kết thúc vào ngày 13/12.

Những người nộp đơn có khoản nợ tổng cộng 4,8 tỷ baht (136,5 triệu USD). Tỷ lệ nợ hộ gia đình cao cũng là một trong những khó khăn mà chính phủ của Thủ tướng Srettha phải giải quyết hiện nay./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.