Thừa Thiên-Huế: Cứu chữa nhiều bệnh nhi bị tay chân miệng thể nặng

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 67 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 14 bệnh nhi mắc bệnh do chủng Enterovirus 71 (EV71) thể nặng, được cứu chữa kịp thời.
Nốt hồng ban ở chân của một trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Thời gian gần đây, một số địa phương trên cả nước ghi nhận trường hợp bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, tại Thừa Thiên-Huế, từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhiều bệnh nhi diễn tiến nặng được cứu chữa kịp thời.

Riêng ngày 26/7, Bệnh viện Trung ương Huế đã cho xuất viện 5 bệnh nhi mắc tay chân miệng thể nặng sau thời gian điều trị tại Trung tâm Nhi khoa.

Trong năm 2023, Khoa Tiêu hóa-Tiết niệu-Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 67 trường hợp mắc tay chân miệng.

Ngoài các bệnh nhi nội tỉnh, một số em được chuyển tuyến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong số này, có 14 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng do chủng Enterovirus 71 (EV71), nặng độ 2b trở lên, phải điều trị thở máy tại đơn vị hồi sức.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (trú tỉnh Quảng Bình) cho biết sau nhiều ngày nổi nốt đỏ trên người, sốt cao 39-40 độ C, nôn nhiều và điều trị không thuyên giảm, con trai chị được chỉ định chuyển viện vào Bệnh viện Trung ương Huế.

[Cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng]

Tại đây, cháu được theo dõi hồi sức tích cực trong 6 ngày liên tục. Đến nay, cháu đã hết thở máy, qua cơn nguy kịch và ra khỏi phòng hồi sức. Nhìn thấy sức khỏe cháu ổn định và có thể vui chơi, gia đình chị rất vui mừng.

Chủng EV71 đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao đang chiếm ưu thế khiến diễn biến bệnh tay chân miệng gia tăng phức tạp trên cả nước nói chung, khu vực miền Trung nói riêng.

Trước tình hình này, từ đầu tháng 7/2023, Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ rà soát điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất nhằm tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng từ cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác chuyển đến.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế giao Bệnh viện Trung ương Huế lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thị Hạnh Chân, Phó trưởng Khoa Nhi tiêu hóa-Tiết niệu-Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi khoa cho biết năm nay, chủng EV71 gây bệnh tay chân miệng phổ biến hơn những năm trước và nhiều ca bệnh diễn biến rất nặng.

Từ đầu mùa, đã có 7 ca bệnh nặng độ 3, cần can thiệp hồi sức tích cực. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có một số loại thuốc giúp điều trị tăng huyết áp, giảm nguy cơ nặng của bệnh.

Ở Trung tâm, các thuốc này cũng như máy móc, thiết bị y tế đã có đủ để hỗ trợ kịp thời khi trẻ có biến chứng về suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Đến nay, Trung tâm Nhi khoa tiếp nhận 4 ca mắc tay chân miệng do chủng EV71 gây ra. Ngoài ra, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế quản lý chỉ mới ghi nhận vài ca bệnh tay chân miệng thể nhẹ.

Bệnh tay chân miệng là bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ do nhiễm virus đường ruột gây ra, trong đó hai virus phổ biến là Coxsackie A16 và Enterovirus (EV71). Trường hợp nhiễm EV71 có thể gây ra các biến chứng về thần kinh và tim mạch, hô hấp như viêm não, tăng huyết áp, phù phổi, viêm cơ tim, suy tim và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo khuyến cáo, khi trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C, nôn ói nhiều, đi đứng không vững, run tay chân hoặc trẻ thở mệt, không đều, ngủ gà, lừ đừ, không tỉnh táo, người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục