Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-Ba Lan

Ba Lan đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông sản từ châu Âu mà những sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam như gạo, trái cây họ cam quýt, chuối, thuốc lá, dầu dừa...
Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-Ba Lan ảnh 1Hội thảo Cơ hội xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan năm 2018. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Việt Nam-Ba Lan còn nhiều dư địa để đẩy mạnh hợp tác thương mại cũng như đầu tư là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo “Tiềm năng đầu tư-thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 28/6.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, Ba Lan là một quốc gia nằm ở khu vực Trung Âu với dân số gần 38 triệu người, có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đứng hàng đầu châu Âu.

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng gần 60% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,33 tỷ USD tăng gần 72%.

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm thủy sản, hàng dệt may, sản phẩm từ chất dẻo, ngũ cốc, cà phê, giày dép các loại.

Đặc biệt, hiện nay, Ba Lan cũng đang có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng khác như gạo, nông sản, dầu ăn, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm tốt cho sức khỏe từ Việt Nam.

Ngược lại Ba Lan có thế mạnh về nhóm sản phẩm từ gia súc, thức ăn gia súc và dược phẩm là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.

Thêm vào đó, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sắp đi vào thực thi sẽ tạo điều kiện để Việt Nam-Ba Lan đẩy mạnh hợp tác thương mại trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Thiết Hòa, ITPC và Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

[EVFTA tạo ra cơ hội và sức cạnh tranh mới từ châu Âu]

Việc hợp tác giữa hai cơ quan sẽ hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan tiếp cận những thông tin thị trường, chính sách ưu đãi thương mại, đầu tư của nhau, từ đó góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của hai quốc gia.

Ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá thương mại và đầu tư giữa Ba Lan và Việt Nam thời gian qua tăng trưởng tích cực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.

Cả Việt Nam và Ba Lan đều là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản cũng là nhóm hàng chính trong cơ cấu trao đổi thương mại song phương, Trong đó, Việt Nam xuất sang Ba Lan 226 triệu USD (chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Ba Lan); ngược lại Ba Lan xuất vào Việt Nam 132 triệu USD (chiếm 48% tổng xuất khẩu của Ba Lan vào Việt Nam).

Theo ông Piotr Harasimowicz, mặc dù cùng phát triển nông nghiệp nhưng Việt Nam-Ba Lan không cạnh tranh trực tiếp mà sẽ hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Cụ thể, Việt Nam đang tập trung cải tiến công nghệ nông nghiệp, bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc.

Ở góc độ này, với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm, Ba Lan có thể hỗ trợ cho Việt Nam về công nghệ cũng như kỹ thuật.

Về thương mại, Ba Lan đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông sản từ châu Âu mà những sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam như gạo, trái cây họ cam quýt, chuối, thuốc lá, dầu dừa...

Sữa và dược phẩm là hai sản phẩm mà Ba Lan xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam và đó cũng là hai mặt hàng có nhiều dư địa hợp tác phát triển trong những năm tới.

Song song đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ba Lan cũng mong muốn phát triển các ứng dụng thương mại và dịch vụ giáo dục, y tế, lưu trú tại Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ số, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.