Thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng dịch trong dịp nghỉ lễ 2/9

Trong những ngày gần đây, số ca COVID-19 tăng khoảng 700-800 ca/ ngày; số bệnh nhân nặng cũng gia tăng. Vì vậy, mỗi người dân cần có kế hoạch để đảm bảo an toàn sức khỏe khoẻ dịp nghỉ lễ 2/9.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, người lao động được nghỉ tối đa 4 ngày từ ngày 1/9 đến hết ngày 4/9, do đó nhu cầu đi tham quan, du lịch của người dân tăng đột biến dịp này.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong những ngày gần đây ca COVID-19 tăng khoảng 700-800 ca/ ngày; số bệnh nhân nặng cũng gia tăng; ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng. Vì vậy, mỗi người dân cần có kế hoạch để đảm bảo an toàn sức khỏe khi đi du lịch.

Không chủ quan lơ là

Theo Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng, nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc, lại xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...

[Bộ Y tế: Rà soát, chấn chỉnh việc quản lý điều trị người bệnh COVID-19]

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo công tác y tế trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhằm đảm bảo công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; không được chủ quan, lơ là.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bố trí phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Lễ; đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế duy trì các hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; chủ động nắm tình hình và xử lý những vấn đề phát sinh.

Các đơn vị phối hợp với lực lượng công an, quân đội và các đơn vị có liên quan trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ; phòng chống thiên tai, bão lụt và các vấn đề liên quan khác.

Sau kỳ nghỉ lễ có thể gia tăng ca mắc bệnh

Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh và người chết vẫn có dấu hiệu gia tăng.

Kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng số ca mắc, kéo theo số bệnh nhân chuyển nặng nhập viện cũng tăng cao. Dự báo sau lễ có khả năng xuất hiện làn sóng dịch bệnh mới với biến chủng BA.5, BA.4 nếu người dân không tăng cường các biện pháp phòng dịch bệnh và chủ động tiêm vaccine phòng COVID-19.

Từ đầu tháng 8 đến nay số ca mắc mới đang có xu hướng tăng dần với các biến thể phụ mới của chủng Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) trung bình khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày cùng với đó số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng và xuất hiện các ca tử vong do COVID-19.

Trong dịp nghỉ lễ 2/9, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động. thực hiện nghiêm giải pháp phòng chống dịch COVID-19 theo công thức 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và đáp ứng điều trị người bệnh nêu rõ, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng cũng đang gia tăng đột biến số ca mắc, dịch bệnh đầu mùa khỉ có nguy cơ cao xâm nhập vào, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đảm bảo cung ứng thuốc, trang thiết bị, nhân lực cho công tác khám, chữa bệnh.

Các đơn vị y tế cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh; tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho các nhân viên y tế về giám sát, chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm đối với các bệnh truyền nhiễm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục