Thượng đỉnh Đức-Nga: Bước quan trọng cho khủng hoảng Syria, Ukraine

Mặc dù nhiều khả năng khó có thể đạt được kết quả cụ thể như mong đợi, song theo Thủ tướng Merkel, một cuộc đối thoại lâu dài là cần thiết và phù hợp trong thời điểm này.
Thượng đỉnh Đức-Nga: Bước quan trọng cho khủng hoảng Syria, Ukraine ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: RELATED IMAGES)

Ngày 17/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh tới đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin là một bước quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng trên thế giới, trong đó có tình hình Ukraine và Syria.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Đức cũng nhận định cuộc gặp vào ngày 18/8 dường như sẽ khó có sự đột phá và mang lại kết quả cụ thể cùng một lúc cho những vấn đề này.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc thảo luận với người đồng cấp Montenegro Dusko Markovic đang ở thăm Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết cuộc gặp lần này là dịp để lãnh đạo hai nước cùng nhau thảo luận và trao đổi để tìm được tiếng nói chung cũng như hướng giải pháp phù hợp cho các vấn đề hai bên cùng quan tâm, từ tình hình Ukraine, cuộc xung đột tại Syria đến hợp tác kinh tế song phương dưới sức ép từ Mỹ.

Mặc dù nhiều khả năng khó có thể đạt được kết quả cụ thể như mong đợi, song theo Thủ tướng Merkel, một cuộc đối thoại lâu dài là cần thiết và phù hợp trong thời điểm này để có thể tìm hướng giải quyết cho các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

[Đức viện trợ 8 triệu USD cho các hoạt động nhân đạo tại Đông Ukraine]

Lần gặp gần đây nhất giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra tại thành phố Sochi (Nga) hồi tháng Năm vừa qua trong chuyến thăm đầu tiên tới Nga của bà Merkel kể từ khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea trong năm 2014.

Việc sáp nhập này cũng như cuộc xung đột leo thang tại miền Đông Ukraine đã dẫn tới quan hệ căng thẳng tồi tệ nhất giữa Nga với Đức và các nước phương Tây kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong khi Đức và Pháp muốn triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại tất cả khu vực do các nhóm vũ trang kiểm soát ở miền Đông Ukraine, bao gồm biên giới Ukraine-Nga thì Moskva lại phản đối đề xuất này. Ngoài ra, quan hệ giữa Đức và Nga cũng căng thẳng liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt " Dòng chảy phương Bắc 2."

Liên quan đến tình hình Syria, Berlin muốn Tổng thống Nga Putin hoàn tất một lệnh ngừng bắn lâu dài với Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Cũng tại cuộc họp báo với người đồng cấp Montenegro Dusko Markovic, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết về khả năng tổ chức một hội nghị bốn bên về Syria với sự tham gia của Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.