Tờ Business Times (Singapore) đăng bài viết của tác giả Krystal Tan - chuyên gia kinh tế châu Á tại ngân hàng ANZ - nhận định rằng tiến trình chuyển đổi năng lượng của châu Á đang diễn ra nhưng với tốc độ chưa đủ để có thể giảm lượng khí phát thải.
Giảm phụ thuộc vào than đá, thúc đẩy triển khai sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển nhiên liệu hydro và cải thiện, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng là những yếu tố chủ chốt để giảm phát thải khí carbon tại khu vực này.
Châu Á có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Giảm "carbon hóa" cần được đặt ở vị trí trung tâm trong chính sách năng lượng của khu vực.
Châu Á đang ngày càng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi năng lượng khi sự chuyển dịch toàn cầu theo hướng trung hòa carbon đang gia tăng.
Quá trình tái cấu trúc hệ thống năng lượng của châu Á vẫn đang được tiến hành, nhưng tốc độ vẫn còn tương đối chậm.
Loại bỏ năng lượng than đá
Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều nghiên cứu cho thấy châu Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Châu Á có hệ thống năng lượng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhiên liệu than nhiệt, vốn là nguồn năng lượng tạo ra nhiều khí thải CO2 nhất trong số các loại nhiên liệu hóa thạch.
Đáng chú ý, trong khi lượng phát thải khí CO2 từ than đá trên toàn cầu hiện đang giảm, xu hướng này lại không diễn ra ở châu Á.
[Chuyên gia ấn tượng về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Việt Nam]
Dù vậy, có một số tiến triển đáng khích lệ. Việt Nam đã công bố kế hoạch tạm hoãn hoặc hủy bỏ một số dự án nhiệt điện than, trong khi Philippines tuyên bố tạm dừng các dự án than mới.
Việc loại bỏ nhiên liệu than đá sẽ khó khăn hơn đối với một nước sản xuất lớn như Indonesia. Tuy nhiên, đã có nhiều đề xuất hủy bỏ dự án điện than ở Indonesia và tại các nơi khác.
Bối cảnh tài chính khó khăn hơn cũng đóng vai trò quan trọng, do các nhà cho vay truyền thống đang phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc loại bỏ dần nguồn tài trợ cho các dự án sử dụng nhiên liệu than đá.
Ví dụ, ngày càng có thêm nhiều ngân hàng Nhật Bản thắt chặt chính sách cấp vốn liên quan đến nhiên liệu than đá hoặc ngừng cấp vốn mới cho các dự án nhiệt điện than.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đã đề xuất các dự luật có điều khoản cấm tài trợ điện than ở nước ngoài.
Thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo
Các biện pháp đã được triển khai để thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo ở châu Á.
Sử dụng năng lượng tái tạo đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2010-2019, vượt xa mức tăng trung bình trên toàn cầu.
Chính sách của chính phủ, cùng với cắt giảm chi phí, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng tốc độ của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tuy nhiên, mức độ thâm nhập thị trường của các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn ở mức thấp ở châu Á.
Các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm dưới 8% tổng năng lượng sơ cấp của châu Á vào năm 2019, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là hơn 11%.
Các quốc gia trong khu vực cũng có sự khác biệt đáng kể, ví dụ như các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm 0,2% năng lượng sơ cấp ở Singapore, nhưng lại chiếm tới 15% ở Việt Nam.
Bộ Chỉ số Quy định về Năng lượng Bền vững (RISE) của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hướng dẫn để so sánh các chính sách và khuôn khổ quy định giữa các nước khác nhau. Ấn Độ và Hàn Quốc đạt điểm cao nhất theo thang đo này, cùng với Trung Quốc Đại lục; đây là 3 nền kinh tế đã đạt được nhiều tiến bộ về chuyển đổi năng lượng bền vững trong những năm gần đây.
Indonesia và Malaysia dù đạt được ít tiến bộ hơn, nhưng vẫn có những nỗ lực để thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
Quốc hội Indonesia đang chuẩn bị xem xét đưa ra một dự luật năng lượng tái tạo mới bắt đầu từ tháng 6/2021, giúp mang lại khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực này.
Trong khi đó, chương trình Đo lường năng lượng ròng (NEM) 3.0 của Malaysia được công bố vào cuối năm 2020 cũng có mục tiêu nhằm thúc đẩy việc lắp đặt các nhà máy năng lượng Mặt Trời.
Phát triển năng lượng hydro
Nguồn năng lượng hydro đang nhanh chóng nổi lên như là một phương án giúp giảm phát thải khí CO2 trong nền kinh tế toàn cầu.
Tính linh hoạt của nguồn năng lượng không thải ra khí thải độc hại cho phép hydro được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, công nghiệp nặng và sản xuất.
Tuy nhiên, phương pháp sản xuất hydro phổ biến nhất - bằng cách tách các phân tử nước thành hydro và oxy - cần một lượng điện đáng kể hoặc phải thông qua phản ứng nhiệt hóa sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nhu cầu hydro trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhanh, và được củng cố nhờ quyết định ưu tiên sử dụng hydro nhập khẩu của Nhật Bản.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã công bố lộ trình chi tiết về nhu cầu nhập khẩu hydro để đáp ứng các mục tiêu trong nước.
Theo công ty tư vấn Acil Allen, nhu cầu hydro ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore có thể đạt 11-56 triệu tấn vào năm 2040.
Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng
Tăng hiệu quả năng lượng đóng vai trò quan trọng đối với việc giảm phát thải khí CO2, giúp giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Hiệu quả năng lượng có thể được tính toán bằng cách sử dụng cường độ năng lượng, đo lượng năng lượng cần sử dụng trên một đơn vị sản lượng. Hầu hết các nền kinh tế trong khu vực châu Á đã đạt được tiến bộ trong việc giảm cường độ sử dụng năng lượng.
Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức độ sử dụng năng lượng ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan vẫn trên mức trung bình toàn cầu trong năm 2017.
Dựa trên điểm số RISE về hiệu quả năng lượng, toàn khu vực châu Á đã thực hiện tốt việc cải thiện các khuôn khổ chính sách của mình trong những năm gần đây.
Sự tiến bộ này được phản ánh trong điểm số RISE về hiệu quả năng lượng với những bước tiến đáng chú ý trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Các nước cần đẩy mạnh khuôn khổ chính sách và biện pháp thúc đẩy hiệu quả năng lượng, đặc biệt là khuyến khích sử dụng năng lượng một cách hiệu quả trong các tòa nhà, và thực hiện tính phí phát thải carbon.
Có phương hướng năng lượng rõ ràng
Một số nền kinh tế đã đạt được nhiều tiến bộ hơn so với những nền kinh tế khác trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhìn chung, tất cả các nước đều còn nhiều việc phải làm ở phía trước.
Các tín hiệu về chính sách gần đây là rất đáng khích lệ, với ý chí chính trị ngày càng cao trong việc chuyển đổi sang hệ thống năng lượng hoàn toàn vắng bóng carbon.
Các cam kết về việc giảm khí phát thải CO2 xuống 0 được đưa ra trong năm 2020 của một số quốc gia phát thải lớn nhất trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đánh dấu một cột mốc quan trọng và có thể thúc đẩy các quốc gia khác trong khu vực hành động tương tự.
Vào tháng 4/2021, Nhật Bản công bố kế hoạch tăng gấp đôi mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon, hưởng ứng kế hoạch giảm một nửa lượng khí thải của Mỹ.
Nhiều quốc gia sẽ đưa ra chiến lược khí hậu chi tiết trước Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021.
Nhiều người kỳ vọng vào các sáng kiến và mục tiêu nâng cao vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo và việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong các khuôn khổ chính sách và kế hoạch hành động trong tương lai./.