Tiếp cận di sản văn hóa cung đình Huế thông qua các cổ vật

Hiện Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đang quản lý hơn 11.500 cổ vật; trong đó có khoảng hơn 2.700 hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các khu lăng tẩm và di tích.
Tiếp cận di sản văn hóa cung đình Huế thông qua các cổ vật ảnh 1Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 20/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Tọa đàm "Văn hóa cung đình Huế qua góc nhìn cổ vật."

Tọa đàm là hoạt động trong khuôn khổ chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), thu hút sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế và cung đình Huế.

Với 24 tham luận được gửi đến và trình bày tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung như cổ vật triều Nguyễn và câu chuyện lịch sử; cổ vật trong bối cảnh kiến trúc cung đình Huế - những vấn đề về phương pháp trưng bày; cổ vật thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, những vấn đề cần làm sáng tỏ.

Đáng chú ý có các tham luận "Phát huy giá trị di sản Huế nhìn từ cổ vật" (của nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải); "Cổ vật cung đình Huế, một mảng văn hóa của triều Nguyễn" (của nhà nghiên cứu Phan Thuận An); "Văn hóa cung đình Huế nhìn từ trang phục nghi lễ thời Nguyễn qua tư liệu" (của tác giả Huỳnh Thị Vân Anh); "Vua Minh Mạng với di sản cổ vật qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn" (của Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Thị Nhật Phương); "Mũ Xuân Thu thời chúa Nguyễn" (của tác giả Vũ Kim Lộc)... chia sẻ những kết quả nghiên cứu, trao đổi ý kiến từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau của đời sống cung đình Huế, hoặc giới thiệu các cổ vật độc đáo có liên quan đến chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.

Tại buổi tọa đàm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn giới thiệu ấn phẩm "Bảo tàng Cổ vật Cung đình" - tập VII, tập hợp kết quả nghiên cứu khá công phu và những ý kiến trao đổi từ góc độ chuyên môn của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm-phục chế cổ vật nhiều nơi trên cả nước cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo quản và phát huy giá trị cổ vật với đội ngũ cán bộ nghiệp vụ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Trong các di sản triều Nguyễn để lại, di sản văn hóa cung đình là những nét đặc trưng nhất tạo nên bản sắc của văn hóa Huế, thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú của đời sống và sinh hoạt như ẩm thực, trang phục, kiến trúc, âm nhạc… và trên các loại vật dụng làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, phản ánh phong cách mỹ thuật và văn hóa thời Nguyễn.

Hiện Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đang quản lý hơn 11.500 cổ vật; trong đó có khoảng hơn 2.700 hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các khu lăng tẩm và di tích.

Sắp tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục mở rộng không gian trưng bày để góp phần làm cho di tích Huế thêm phong phú, hấp dẫn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế trong việc thu hút khách tham quan./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục