Bộ Nội vụ Pháp cho biết đã có khoảng 368.000 người tham gia biểu tình trên khắp nước Pháp trong ngày 11/3 nhằm phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ.
Con số trên là thấp hơn dự kiến, khi trước đó CGT - tổ chức nghiệp đoàn lớn nhất nước Pháp, đã dự báo có tới 1 triệu người tham gia cuộc biểu tình trên khắp cả nước.
Theo công ty đường sắt quốc gia SNCF, dịch vụ đường sắt đã bị gián đoạn "nặng nề" do hoạt động biểu tình.
Tuy nhiên, hệ thống tàu điện ngầm và các dịch vụ vận tải công cộng khác ở vùng Ille-de-France, trong đó có thủ đô Paris, vẫn hoạt động như lịch trình.
[Giao thông kết nối Pháp và Anh bị gián đoạn do đình công]
Theo truyền thông Pháp, Thượng viện nước này có thể tiến hành biểu quyết về kế hoạch cải cách hưu trí sau nhiều ngày tranh luận.
Nếu được thông qua, kế hoạch sẽ được gửi lại Hạ viện nước này, nơi chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron có thể vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua dự luật mà không cần tiến hành biểu quyết.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết đã có khoảng 1,28 triệu người biểu tình trên khắp cả nước hôm 7/3 để phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ.
Hồi tháng Một, Thủ tướng Elisabeth Borne đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách hưu trí, theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng từ 62 lên 64 vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu.
Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2027, người lao động sẽ phải có ít nhất 43 năm lao động để có đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ./.