Tìm cách để châu bản triều Nguyễn không trở thành 'nấm mồ tư liệu'

Các chuyên gia đã cùng trao đổi tìm cách bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn để văn bản hành chính duy nhất còn lại của chế độ quân chủ cuối cùng ở Việt Nam gần gũi hơn trong đời sống.
Tìm cách để châu bản triều Nguyễn không trở thành 'nấm mồ tư liệu' ảnh 1Các chuyên gia nghiên cứu tìm hiểu Châu bản triều Nguyễn. (Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia I)

Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính còn lại duy nhất, tương đối toàn vẹn của chế độ quân chủ cuối cùng ở Việt Nam có lưu bút tích của các Hoàng đế.

Mỗi trang tài liệu là một câu chuyện sống động đương thời. Đó không chỉ là câu chuyện lịch sử của một triều đại, lịch sử của một dân tộc, quốc gia mà còn là lịch sử của khu vực và thế giới.

Song, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đã có thời kỳ những tài liệu lưu trữ bị coi là “nấm mồ tư liệu” bởi việc tiếp cận, giải mã và phổ biến nguồn tư liệu này không hề dễ dàng.

“Năm 2017, châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Sự vinh danh đó đã mở ra kỷ nguyên mới cho châu bản. Để sau những năm tháng lặng yên dưới lớp bụi thời gian, châu bản lại nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ở kỷ nguyên của công nghệ, cần đặt ra câu hỏi làm thế nào để phát huy giá trị to lớn của châu bản,” nhà sử học trăn trở.

[Chuyển đổi số tài liệu lưu trữ: Công nghệ và nguồn lực đã sẵn sàng]

Ngày 23/12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu Thế giới” nhằm tìm kiếm giải pháp từ các nhà sử học, các chuyên gia nghiên cứu.

Các chuyên gia lưu trữ thừa nhận rằng châu bản là văn bản khô khan, khó tiếp nhận đối với giới trẻ bởi được thể hiện bằng chữ Hán-Nôm. Thêm vào đó, các cán bộ lưu trữ cũng gặp khó khăn trong việc nghiên cứu, quản lý châu bản bởi trước khi được đưa về bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) vào năm 1991, châu bản đã trải qua quá trình thiên di kéo dài cùng những biến động, thăng trầm của đất nước.

Cụ thể, châu bản được chuyển từ Nội các về lưu trữ tại Viện Văn hóa Huế năm 1942, sau đó được đưa sang bảo quản tại Viện Đại học Huế theo lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa năm 1959. Hai năm sau, châu bản được di chuyển lên Đà Lạt trước khi về lại Sài Gòn vào tháng 3 năm 1975 rồi giao cho Kho Lưu trữ trung ương II năm 1978.

Tìm cách để châu bản triều Nguyễn không trở thành 'nấm mồ tư liệu' ảnh 2Hội thảo khoa học tìm cách bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn. (Ảnh chụp màn hình)

Bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho rằng trung tâm đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để tôn vinh giá trị của di sản này. Tuy nhiên việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản không chỉ là trách nhiệm của từng cơ quan đơn lẻ mà cần có sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan chức năng, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, sự kết nối giữa các cơ quan di sản và chung tay góp sức của toàn xã hội.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu Châu bản triều Nguyễn và tài liệu lưu trữ trên nền tảng số như phòng đọc ảo, triển lãm trực tuyến 2D, 3D; ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), mã QR... trong các hoạt động sự kiện, trưng bày triển lãm tài liệu lưu trữ,” bà cho biết.

Tiến sỹ Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức Thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP), Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia tán thành việc đổi mới cách tuyên truyền. Bà đóng góp ý kiến thêm rằng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc phát huy giá trị di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn. Cụ thể là thực hiện các dự án song phương hoặc đa phương về xuất bản các ấn phẩm giới thiệu Di sản Tư liệu Châu bản triều Nguyễn như sách ảnh, sách chuyên đề, tranh cổ động, bưu thiếp, kỷ vật…bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

“Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia MOW Việt Nam để cập nhật kịp thời các thông tin, dự án và chương trình về Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, đặc biệt là các công cụ, sách hướng dẫn và tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn và tiếp cận Di sản Tư liệu,” bà Minh Hương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục