Tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc

Tiềm năng thương mại nông sản Việt Nam-Trung Quốc còn rất lớn nhưng chưa được phát huy hết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu.
Tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc ảnh 1Thanh long là một trong những nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Tiềm năng thương mại nông sản Việt Nam-Trung Quốc còn rất lớn nhưng chưa được phát huy hết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế thông tin thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam-Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/10.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, xuất siêu đạt 6,1 tỷ USD.

Tuy nhiên những con số trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu trao đổi sản phẩm nông sản, rau quả giữa hai nước.

Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân, cùng với 50 triệu khách du lịch hàng năm đã tạo ra thị trường có sức tiêu dùng rất lớn và là điểm đến xuất khẩu mục tiêu của nhiều quốc gia. Riêng về thực phẩm, mỗi ngày thị trường này tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn.

Theo Tổ chức Thương mại Thế gới (WTO), hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, trong đó các mặt hàng rau quả chiếm 9-10 tỷ USD. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam-Trung Quốc đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 9,8 tỷ USD.

Phần lớn mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm, hàng rau quả giảm tới 25,9%.

[Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc]

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 16 thế giới và đứng thứ 2 trong khối ASEAN. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí top đầu thế giới, đặc biệt là trái cây nhiệt đới. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Mặc dù vậy, có một nghịch lý là nhiều chuỗi cung ứng trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu... thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch đã xuất khẩu đi nhiều quốc qua có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Hàn Quốc... nhưng vẫn khó xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cụ thể, tiến trình trao đổi kỹ thuật, đánh giá rủi ro trong công tác mở cửa thị trường các sản phẩm rau quả của Trung Quốc thường kéo dài, hạn chế phát triển thương mại cho sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Đến nay mới chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bao gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Trong khi đó, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi liên tục theo hướng thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác...

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn kép; trong đó, dịch COVID-19 bùng phát mạnh từ Trung Quốc khiến sức tiêu thụ của thị trường này giảm sút rõ rệt; cộng với việc thắt chặt chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu biên mậu khiến rau quả Việt Nam khó vào hơn trước đây rất nhiều.

Với chính sách ưu tiên nhập khẩu chính ngạch, chỉ có các loại rau quả được Trung Quốc cấp phép, có đăng ký mã số vùng trồng mới được nhập khẩu.

“Mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm. Do đó, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu dễ tính.

Tuy nhiên đây vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của nông sản, rau quả Việt Nam, kể cả sau COVID-19. Chính vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp, người nông dân Việt Nam không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra,” ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc ảnh 2Thu hoạch vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ông Lý Kiến Lương, Lãnh sự thương mại, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ thương mại nông sản luôn là điểm sáng trong tổng thể thương mại Việt Nam-Trung Quốc nhiều năm qua.

Hai nước có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý nối liền nhau, trong khi Việt Nam có ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ với chủng loại nông sản đa dạng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rộng lớn, người dân Trung Quốc rất ưa chuộng các loại trái cây đặc sản của Việt Nam.

Theo ông Lý Kiến Lương, trong những năm gần đây, hải quan Trung Quốc đã từng bước tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác của rau quả nhập khẩu nhắm kiểm soát nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Qua một thời gian thực thi, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã cho thấy khả năng thích ứng nhanh chóng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc cơ bản vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, theo phản hồi của phía hải quan Trung Quốc, vẫn còn những vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc gây ảnh hưởng đến tiến độ và kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Do đó, phía Trung Quốc mong muốn hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong việc phổ biến thông tin, cập nhật các quy định, chính sách nhập khẩu mới của Trung Quốc và hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng các điều kiện để thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc một cách ổn định, bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, việc hay đổi chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhằm đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương sản xuất nông sản xuất khẩu cần tăng cường phổ biến thông tin đến từng doanh nghiệp, hộ sản xuất để hiểu rõ, nâng cao năng lực thực thi và đáp ứng các quy định thị trường của hai bên, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, mận, dừa… để khai thác hiệu quả nhu cầu thị trường và tạo đầu ra bền vững cho các loại nông sản, rau quả Việt Nam trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.