Tìm giải pháp hiện thực hóa khát vọng phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

Hội nghị Toàn quốc về Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh thực trạng phát triển của ngành; đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Các nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật múa rối Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Lần đầu tiên, Chính phủ tổ chức một hội nghị quy mô lớn, mang đến cái nhìn toàn cảnh về thực trạng phát triển của ngành đồng thời đi tìm những giải pháp thiết thực, hiện thực hóa khát vọng phát triển Công nghiệp Văn hóa.

Đó là lý do Hội nghị Toàn quốc về Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam ngày 24/12 đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), đơn vị chuẩn bị nội dung, kịch bản và xây dựng báo cáo trung tâm tại hội nghị.

Khơi thông ‘điểm nghẽn’ trong Công nghiệp Văn hóa

- Thưa Cục trưởng, xin ông cho biết công tác chuẩn bị hội nghị đang diễn ra như thế nào?

Ông Trần Hoàng: Thực hiện Quyết định số 3636/QĐ-BVHTTDL về Ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị Toàn quốc về Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện các nội dung, báo cáo sẽ trình bày tại hội nghị.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dự kiến, 7 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành đều có các bài tham luận liên quan đến nội dung quản lý, ngoài ra, chúng tôi cũng đã nhận được 15 tham luận của các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. Ba trung tâm thực hiện Công nghiệp Văn hóa của cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng sẽ có những báo cáo chuyên đề về thực hiện Công nghiệp Văn hóa trên địa bàn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có báo cáo cụ thể về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg).

Lễ hội Biểu diễn Nghệ thuật Quốc tế Bình Thuận-Việt Nam lần thứ Nhất diễn ra ngày 8-10/12 tại thành phố Phan Thiết. (Ảnh: An Khang Media)

- Quyết định số 1755 bao trùm 12 ngành Công nghiệp Văn hóa. Vậy, nội dung hội nghị lần này có ưu tiên tập trung thảo luận những lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển không, thưa ông?

Ông Trần Hoàng: Các nội dung tại hội nghị sẽ được thảo luận sâu, kỹ và tìm ra những giải pháp hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển 12 ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam; bảo đảm phát huy vai trò của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi thông nguồn lực phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng; chú ý đến giải pháp tăng cường đóng góp vào GDP, phát triển kinh tế-xã hội của các ngành Công nghiệp Văn hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất tập trung vào 6 lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng và nhiều dư địa phát triển là điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ.

- Theo ông, Việt Nam đang còn những rào cản nào để phát triển Công nghiệp Văn hóa như các nước trong khu vực?

Ông Trần Hoàng: Tôi cho rằng 12 ngành Công nghiệp Văn hóa bao gồm rất nhiều vấn đề, cũng có những tồn tại, hạn chế đặc thù của riêng từng ngành.

Tuy nhiên, nhìn chung, chúng ta vẫn còn những rào cản về cơ chế, chính sách, cụ thể là cơ chế khuyến khích đầu tư, thuế và hỗ trợ ngay từ đầu vì đầu tư vào văn hóa đòi hỏi nguồn lực rất lớn mà doanh thu thì “bấp bênh.”

Thứ hai là bài toán làm thế nào khai thác văn hóa để làm kinh tế mà vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, duy trì “sức mạnh mềm” quốc gia.

Thứ ba là nguồn lực về con người, một yếu tố rất quan trọng cần sự quan tâm từ khâu đào tạo, hướng nghiệp và các chính sách đãi ngộ cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.

Ngoài ra còn có hạn chế về xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu và những vấn đề khác chúng tôi sẽ đề cập cụ thể trong Báo cáo trung tâm tại hội nghị.

Mỹ thuật là một trong 12 ngành Công nghiệp Văn hóa theo quyết định của Chính phủ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

- Ông có kỳ vọng như thế nào về kết quả của hội nghị?

Ông Trần Hoàng: Trong hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sỹ và các doanh nghiệp sẽ đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa trong lĩnh vực được giao; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa.

Trên cơ sở kết quả hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành Công nghiệp Văn hóa đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, các địa phương có các giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ hiện thực hóa điều này bằng Nghị quyết, văn bản hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, Quyết định số 1755 nêu rõ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đôn đốc, đẩy mạnh phát triển Công nghiệp Văn hóa. Thực tế, các bộ, ngành cũng đã có sự phối hợp, trao đổi, báo cáo thường xuyên. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng sau đây, các đơn vị sẽ có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt, Chính phủ có thể giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, có cơ chế chính sách đặc biệt, hỗ trợ các nguồn lực để phát triển Công nghiệp Văn hóa.

Bảo vệ bản quyền để tiến ra thị trường lớn

- Thưa Cục trưởng, ông có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của công tác bản quyền trong phát triển Công nghiệp Văn hóa?

Ông Trần Hoàng: Phát triển Công nghiệp Văn hóa cần có 3 yếu tố quan trọng là nhà sáng tạo, các đơn vị-tổ chức-doanh nghiệp tham gia vận hành và đặc biệt là bảo vệ những giá trị sáng tạo tức là bảo vệ bản quyền.

Chúng ta đã có hành lang pháp lý về bản quyền, cụ thể, năm 2022, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Cục Bản quyền tác giả cũng đang tham mưu để điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Cục trưởng Trần Hoàng tại Họp báo Hội nghị Toàn quốc về Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam ngày 19/12. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Như vậy, bằng các công cụ cụ thể, chúng ta có thể nâng cao nhận thức về bản quyền cũng như nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ bản quyền. Đây là vấn đề cốt lõi để bảo vệ các sản phẩm sáng tạo, thúc đẩy phát triển Công nghiệp Văn hóa.

- Việc Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế có ý nghĩa như thế nào trong việc thực thi bản quyền tác giả, thưa ông?

Ông Trần Hoàng: Việt Nam đang tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền, thực tế là chúng ta đã tham gia nhiều hội, hiệp hội, ký nhiều điều ước về bảo vệ bản quyền. Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, chúng ta có thêm một nền tảng pháp lý rất quan trọng để bảo vệ tài sản trí tuệ sáng tạo Việt Nam.

Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp, cá nhân cần phải quan tâm hơn khi tham gia thị trường quốc tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục