Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, lợi thế phát triển cây công nghiệp của Đăk Lăk đã gắn với nhiều thương hiệu hàng hóa như cà phê hồ tiêu, ca cao... Song câu chuyện giảm nghèo, phát triển bền vững của tỉnh không dễ trong một cộng đồng dân cư đến 47 dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số như: Ê Đê, M’Nông, Thái, Tày, Nùng... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.
Chính vì vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách từ nhiều năm qua đã trở thành công cụ trợ lực chính trực tiếp cho tỉnh để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Chung tay giảm nghèo
Dọc con đường bê tông phẳng lỳ lên giữa bạt ngạt màu xanh của càphê, hồ tiêu, ca cao, theo chân đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng làm trưởng đoàn về thăm xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. Nơi đây đã không còn màu khói xám bao phủ quanh vùng đất vốn là nơi nghề đốt than phát triển những năm trước mà thay vào đó là những nghề mới được người dân chuyển đổi với sự trợ lực của nguồn vốn chính sách xã hội, thậm chí “làm dày” thêm thương hiệu bánh tráng Nhơn Hòa của vùng đất này.
Những con đường phát triển kinh tế khác cũng đã được mở ra với chủ trương của Ngân hàng Chính sách xã hội không để người nghèo và các đối tượng chính sách khác có đủ điều kiện không được vay vốn. Như gia đình anh Bùi Văn Tương ở thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn - 3 chương trình vay nối tiếp từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để nuôi bò sinh sản từ năm 2011 đến năm 2019 đã giúp gai đình anh dần bước qua nghèo khó và dần tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững. Đến nay, cơ ngơi lớn nhất là đàn bò của gia đình anh từ 1 con ban đầu đã lên đến 14 con.
[Vốn tín dụng chính sách nâng cao đời sống tại miền núi phía Bắc]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Bar Y Sen Kbuôr cho biết, với 3.669 hộ và 17.718 khẩu, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 36%, đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và chăn nuôi là chủ yếu. Vì vậy, xã đã vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động của các hội, đoàn thể như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,” “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi,” “Tuổi trẻ Buôn Đôn chung tay xây dựng nông thôn mới,” xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…
Đặc biệt, trước thực tế 726 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,52%; cận nghèo 486 hộ, chiếm tỷ lệ 13,74% giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống sớm thoát nghèo bền vững. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn xã đạt gần 12 tỷ đồng; số hộ vay vốn 391 hộ. Dư nợ đến 30/6/2019 đạt gần 52 tỷ đồng với 1.864 hộ vay còn dư nợ.
Ghi nhận những nỗ lực của địa phương này, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể triển khai đồng bộ các các chương trình, dự án để nhân dân được tiếp cận với các chính sách như vay vốn ưu đãi, tín dụng chính sách, xuất khẩu lao động và dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động, y tế, giáo dục.
Không để lọt hộ đủ điều kiện có nhu cầu vay
Nhìn rộng ra toàn tỉnh Đăk Lăk, việc triển khai khoa học 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 cùng với trợ lực của tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm nghèo bền vững của địa phương.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, mặc dù ngân sách tỉnh Đăk Lăk còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh cũng đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số dư đến nay đạt hơn 220 tỷ đồng, tăng hơn 25 tỷ đồng so với năm 2018, đứng đầu các tỉnh vùng Tây Nguyên và xếp thứ 13 toàn quốc về nguồn vốn ủy thác địa phương. 15/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã quan tâm dành nguồn vốn ngân sách thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
“Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tạo lập nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách Trung ương còn hạn hẹp,” ông Thắng nhấn mạnh.
Nhìn lại năm 2018 và 8 tháng qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đăk Lăk đã cho vay hơn 94.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng tại đạt 2.700 tỷ đồng. Cùng với quy trình, thủ tục cho vay được thiết kế đơn giản, phù hợp với trình độ của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến ngày 31/8, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.723 tỷ đồng, tăng 354 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2018.
Trong năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 3.700 lao động; giúp 76 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 1.200 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 40.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 3.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống,... góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Những kết quả này đã góp phần đưa toàn tỉnh Đăk Lăk đến cuối năm 2018, có 43/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hết năm 2019, ước lũy kế số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 50 xã, chiếm tỷ lệ 32,9%, đạt kế hoạch giao; ước bình quân tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt được trên đơn vị xã đạt 14,2 tiêu chí/xã, vượt kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đăk Lăk H’Yim Kđoh cho biết, địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép khác, vốn tín dụng thực hiện các chương trình, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội để chung tay xây dựng nông thôn mới.
Ghi nhận những kết quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng trong những năm qua của tỉnh, ông Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân vùng Tây Nguyên, kết quả giải ngân các nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn thấp.
“Tôi nghĩ đây là những vấn đề mà Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Đăk Lăk cần tìm ra giải pháp để khắc phục trong thời gian tới,” ông Thắng nhấn mạnh.
Khẳng định một lần nữa, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, ông Thắng đề xuất một số nội dung mà tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới. Trong đó cần tăng cường huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh hơn nữa huy động nội lực nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách xã hội tại các huyện, thành phố, các xã, thị trấn; đảm bảo 100% hộ gia đình người nghèo được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước.
Nằm trong chương trình công tác, Công đoàn Ngân hàng Chính sách đã hỗ trợ cho Trạm y tế xã Ea Bar để đầu tư mua sắm thiết bị xét nghiệm ký sinh trùng; hỗ trợ trường tiểu học Nguyễn Huệ để đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới; đồng thời, trao tặng 23 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ea Bar./.