Tín hiệu tích cực trong chính sách thương mại Mỹ năm 2017

Theo chuyên gia Alden, nếu TPA cho năm 2017 mà Chính quyền Trump đưa ra mới đây thực sự là bản kế hoạch chi tiết mà chính quyền mới sẽ thực hiện trong thời gian tới, đây có thể là tín hiệu tốt.
Tín hiệu tích cực trong chính sách thương mại Mỹ năm 2017 ảnh 1Tổng thống Mỹ Trump tham quan một nhà máy của Carrier ở Indianapolis, Indiana (Nguồn: Reuters)

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) - cơ quan nghiên cứu có ảnh hưởng tại Mỹ - mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia cao cấp về kinh tế Mỹ thuộc CFR Edward Alden về chính sách thương mại của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tác giả nhận định nếu Chương trình nghị sự Chính sách Thương mại (TPA) cho năm 2017 mà Chính quyền Tổng thống Trump đưa ra mới đây thực sự là bản kế hoạch chi tiết mà chính quyền mới sẽ thực hiện trong thời gian tới, đây có thể là tín hiệu tốt và tích cực.

Theo chuyên gia Alden, phần lớn nội dung trong TPA năm 2017 thể hiện nỗ lực rõ ràng của Chính quyền Tổng thống Trump trong việc tính toán lại về chính sách thương mại Mỹ.

Cụ thể, tài liệu này bắt đầu bằng việc trình bày rằng mục tiêu của chính sách thương mại Mỹ nên là "tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tạo việc làm tại Mỹ, thúc đẩy sự trao đổi lẫn nhau có đi có lại với các đối tác thương mại, củng cố cơ sở sản xuất và năng lực bảo vệ bản thân cũng như mở rộng xuất khẩu nông sản và các mặt hàng khác."

Bản TPA này cũng không có việc coi NAFTA là "một thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được đàm phán," không có những lời hứa suông về việc khôi phục hàng triệu việc làm trong ngành sản xuất, không có sự đe dọa áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu.

Thay vào đó là sự phê bình đúng mực về những hạn chế của một số thỏa thuận thương mại hiện nay, vấn đề mà nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ xác định là thách thức nghiêm trọng đối với chính sách thương mại của Mỹ.

TPA năm 2017 đặt chính sách thương mại của Mỹ vào vị trí trong một chiến lược lớn hơn nhằm tạo "một nền kinh tế mạnh hơn, mang tính cạnh tranh hơn." Theo đó, chính quyền dự định sẽ làm việc với Quốc hội để giảm thuế, giảm các quy định và tăng ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tài liệu này cũng không đề xuất rằng Mỹ đang chuẩn bị để phá bỏ các quy tắc dàn xếp xung đột của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - các quy tắc đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các nước không nối lại hạn chế nhập khẩu làm hại đến lợi ích của các đối tác như trong thời kỳ Đại Khủng hoảng.

Quan trọng hơn, văn bản này cũng nêu ra những hạn chế của các quy định của WTO trong bảo đảm quan hệ thương mại bình đẳng với "những nước lớn không tuân theo các quy định về thị trường tự do."

Tuy nhiên, TPA năm 2017 vẫn tái khẳng định quyết định của Tổng thống Trump là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Kể từ Luật Thương mại năm 1974, Quốc hội Mỹ yêu cầu Chính quyền hàng năm phải đệ trình TPA, trong đó vạch ra những mục tiêu trong năm tới. Đây là nguyên tắc về tính minh bạch, buộc chính quyền phải trình bày rõ ràng với Quốc hội về các ưu tiên chính sách thương mại của mình.

Với những nội dung chính mà TPA năm 2017 vạch ra, giới quan sát đã bày tỏ lạc quan về khả năng Mỹ sẽ phát triển một chính sách thương mại mới, chiến lược và có kỷ luật, và đây được đánh giá là một dấu hiệu tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.