Tỉnh Cà Mau đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; chú trọng xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng...
Tỉnh Cà Mau đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm ảnh 1Trung tâm thành phố Cà Mau. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, địa phương đang tích cực kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư dự án trọng điểm nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tỉnh đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư vào các dự án động lực như cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đầu tư hạ tầng khu phi thuế quan Khu kinh tế Năm Căn, đầu tư hạ tầng Trung tâm Tài chính-Thương mại Khu kinh tế Năm Căn, dự án Khu du lịch Mũi Cà Mau và ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vào thi trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Cùng với đó, Cà Mau đã và đang quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Khánh An, Hòa Trung và Khu kinh tế Năm Căn, đồng thời đang trình Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập Khu công nghiệp Sông Đốc.

Tính đến đầu tháng 12/2020, Khu công nghiệp Khánh An đã thu hút được 20 dự án đầu tư liên quan đến ngành công nghiệp xử lý khí, vật liệu xây dựng, sản xuất gỗ, bao bì... Điều đáng mừng là các dự án đều thực hiện tốt theo tiến độ cam kết và dần hoàn thiện đi vào hoạt động.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; chú trọng xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, quy hoạch hoàn chỉnh, có tính cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau quan tâm đổi mới phương thức và cơ chế xúc tiến đầu tư; tập trung thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế biển; năng lượng tái tạo; du lịch...

[Xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành địa phương phát triển mạnh về biển]

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút đầu tư trong nước được 188 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 50.342 tỷ đồng, tăng 75% về số lượng dự án và 21% vốn đăng ký đầu tư so với giai đoạn 2011-2015. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 343 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 121.974 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh có 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 387 triệu USD (giai đoạn 2011-2015 thu hút được 3 dự án FDI với vốn đăng ký 8,8 triệu USD). Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 10 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 393 triệu USD.

Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh thời gian qua tuy có bước cải thiện nhưng kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh. Nguyên nhân là các hoạt động xúc tiến đầu tư còn rời rạc, hình thức mới gọi chưa phong phú... nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn có tiềm năng.

Tỉnh Cà Mau đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm ảnh 2Một góc đô thị Năm Căn. (Nguồn: Phapluatplus.vn)

Thêm nữa, việc đề xuất dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do có sự chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các quy hoạch, thiếu quỹ đất sạch. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục xin giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất.

Mặt khác, vị trí tỉnh Cà Mau nằm cách xa các trung tâm kinh tế của cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ nên khó khăn trong mời gọi, xúc tiến đầu tư. Ngoài việc áp dụng các chính sách ưu đãi chung, tỉnh chưa xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù để khắc phục, bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.