Kiến nghị nâng cấp sân bay Cà Mau, phục vụ phát triển KT-XH cả vùng

Sân bay Cà Mau được đề nghị nâng cấp lên sân bay cấp 4C, quân sự cấp 2, phục vụ các loại máy bay A320, A321, có thể khai thác các đường bay tầm trung Hà Nội-Cà Mau-Hà Nội, Đà Nẵng-Cà Mau-Đà Nẵng.
Kiến nghị nâng cấp sân bay Cà Mau, phục vụ phát triển KT-XH cả vùng

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau vừa có văn bản đề nghị cơ quan chức năng có ý kiến, xem xét, chấp thuận và kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp sân bay Cà Mau trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, sân bay Cà Mau nằm ở trung tâm bán đảo Cà Mau, không chỉ giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Cà Mau mà còn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Hiện, sân bay Cà Mau có đường hạ cất cánh dài 1.500m, là sân bay hàng không dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay nhỏ như: ATR-72, AN-2, MIA-17, KINGAIR B200 và các loại máy bay khác có trọng tải cất cánh tương đương.

Hiện nay, Công ty Bay dịch vụ hàng không-VASCO đã khai thác tuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh-Cà Mau-Thành phố Hồ Chí Minh, với lịch bay thường lệ là từ thứ Hai đến Chủ nhật hàng tuần bằng máy bay ATR 72-500.

Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông từ các tỉnh trong vùng kết nối với Cà Mau đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển của tỉnh, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Tính riêng trong năm 2019, Cà Mau đã đón gần 2 triệu lượt khách du lịch trong khi mỗi ngày chỉ có một chuyến bay (loại máy bay ATR 72-500) đến và đi, các tuyến quốc lộ liên kết vùng hầu hết có quy mô 2 làn xe cơ giới.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Sân bay Cà Mau được quy hoạch đến năm 2020 với quy mô sân bay dân dụng cấp 3C, đạt công suất thiết kế 300.000 hành khách/năm và sân bay quân sự cấp 2, đến năm 2030 quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, đạt công suất thiết kế 1 triệu hành khách/năm và sân bay quân sự cấp 2.

[Cần hơn 5.300 tỷ đồng để nâng cấp kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo]

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho rằng, thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, việc đầu tư nâng cấp kéo dài đường hạ cất cánh sân bay Cà Mau đạt chiều dài 2.400m, xây dựng khu hàng không dân dụng để đạt sân bay cấp 4C, quân sự cấp 2, phục vụ các loại máy bay như A320, A321 có thể hạ cất cánh và có thể khai thác các đường bay tầm trung: Hà Nội-Cà Mau-Hà Nội, Đà Nẵng-Cà Mau-Đà Nẵng... là hết sức cấp thiết.

Bởi việc đầu tư, nâng cấp sân bay không chỉ phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội và du lịch tỉnh Cà Mau nói riêng mà còn cả khu vực nói chung.

Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng cấp này sẽ đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biển Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hãng hàng không tham gia đầu tư, khai thác tuyến bay, tăng tính cạnh tranh, giảm giá vé...

Về hình thức đầu tư nâng cấp sân bay Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam thực hiện; trong trường hợp khó khăn về nguồn vốn, kiến nghị nghiên cứu lựa chọn đầu tư một số hạng mục công trình theo hình thức đối tác công tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục