Tỉnh Kiên Giang quyết liệt khắc phục “thẻ vàng” của EC

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định năm nay kiên quyết giảm thiểu tối đa, phấn đấu sớm chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, sắp xếp tàu cá của tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang quyết liệt khắc phục “thẻ vàng” của EC ảnh 1Ông Trần Văn Tân tại ấp Bãi Ngự, xã đảo Thổ Châu cho cá bớp ăn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định năm 2021 kiên quyết giảm thiểu tối đa và phấn đấu sớm chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), xây dựng và triển khai đề án kiện toàn, sắp xếp tàu cá của tỉnh để ổn định nghề cho ngư dân, nhằm đảm bảo tính bền vững trong khắc phục khai thác IUU.

Giảm khai thác IUU nhưng chưa triệt để

Trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực ngăn chặn khai thác IUU và tình trạng này đến nay đã giảm nhưng chưa triệt để, vi phạm vẫn còn xảy ra. Trong quý 1 vừa qua, ngành chức năng xử phạt 9 vụ, 9 đối tượng với 4 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.

Nguyên nhân vùng biển Kiên Giang khá rộng, khoảng 63.290km2, có chung vùng nước và vùng biển chồng lấn với một số nước trong khu vực nên ngư dân khi khai thác thủy sản truyền thống khó phân biệt vùng biển chồng lấn, dễ vi phạm.

Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200km, với nhiều bãi ngang, nhiều cửa sông, luồng lạch thông ra biển và hơn 143 đảo lớn nhỏ, nhiều đảo biệt lập xa đất liền, phương tiện tàu cá neo đậu không tập trung, xuất-nhập bến rất khó kiểm soát, khó tuyên truyền.

Mặt khác, nguồn lợi thủy sản ở ngư trường trong nước và tỉnh Kiên Giang ngày càng suy giảm, cạn kiệt khai thác đánh bắt kém hiệu quả nên một bộ phận chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân vì lợi ích kinh tế, áp lực thuê khoán tàu, vay vốn ngân hàng… sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, vi phạm khai thác IUU.

Trong khi đó, một thời gian dài, các sở, ngành, địa phương buông lỏng quản lý ngư trường, ngành nghề khai thác đánh bắt và số lượng tàu cá vượt xa trữ lượng nguồn lợi thủy sản khai thác bền vững, chưa ngăn chặn triệt để khai thác thủy sản mang tính hủy diệt dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm, cạn kiệt.

Tiếp đến, việc phối hợp giữa các sở, ngành, lực lượng chức năng trong việc quản lý kiểm tra, giám sát tàu cá khai thác thủy sản, đấu tranh phòng ngừa và xử lý vi phạm có mặt, có lúc chưa chặt chẽ, còn đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến thiếu kiên quyết, chưa xử lý nghiêm vi phạm khai thác IUU nên không mang tính răn đe, giáo dục cao đối với các trường hợp vi phạm. Việc đôn đốc thực hiện sau khi có quyết định xử phạt vi phạm còn buông lỏng, thiếu quyết liệt và đạt tỷ lệ rất thấp.

[Kiên Giang: Tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển]

Ngoài ra, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa tự giác thực hiện đầy đủ điều kiện, thủ tục theo quy định như đăng ký, đăng kiểm tàu cá, không ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động trên biển… Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng khi cho tàu ra biển không duy trì hoạt động thường xuyên của thiết bị giám sát hành trình, không sử dụng thiết bị hoặc lấy thiết bị đặt ở vị trí khác.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, tỉnh hiện có 9.881 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, với tàu khai thác hải sản 9.433 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 448 chiếc. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 3.990 chiếc, chiếm gần 13% số tàu cá cả nước và hơn 40% tàu cá vùng Đồng bằng công Cửu Long.

Hiện, tỉnh đã có 3.608/3.623 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS theo quy định, số còn lại đang tiếp tục lắp đặt hoàn thành và riêng 367 tàu cá, ngành chức năng đã đề xuất loại trừ thuộc diện xóa đăng ký và nằm bờ hư hỏng.

Đồng bộ các giải pháp

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 13/7/2020 của Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính các cấp đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của tỉnh, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới không còn tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác IUU, khắc phục tốt cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Theo đó, tỉnh phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên, liên tục về Luật Thủy sản năm 2017, các quy định, nghị quyết, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh đến từng cán bộ, đảng viên, chủ tàu cá, ngư dân và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để nâng cao hơn nữa nhận thức, hiểu rõ, nắm chắc nội dung, thực hiện nghiêm túc các quy định khai thác IUU.

Tỉnh triển khai thực hiện đề án “Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030” và dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang,” nhằm phát triển nghề cá của tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần khắc phục khai thác IUU, cùng cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC.

Tỉnh Kiên Giang quyết liệt khắc phục “thẻ vàng” của EC ảnh 2Thủy hải sản khai thác được trên vùng biển Tây Nam được vận chuyển xuống bến chợ Dương Đông, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng, huyện, thành phố xác định, xử lý trách nhiệm cơ quan, ban ngành các cấp trong việc buông lỏng đăng ký, đăng kiểm, quản lý tàu cá gắn với giao trách nhiệm cụ thể cho đơn vị, địa phương thực hiện chặt chẽ công tác này.

Ngành thủy sản Kiên Giang phối hợp với ngành có liên quan tăng cường quản lý ngư trường, chấn chỉnh và sắp xếp ngành nghề khai thác phù hợp với ngư trường, quy định cụ thể vùng nuôi trồng, vùng khai thác thủy sản, thời gian khai thác theo mùa vụ, vùng nước, mực nước phù hợp với kích cỡ mắc lưới đánh bắt thủy sản.

Tỉnh dừng đóng mới, từng bước hạn chế cải hoán tàu cá để khai thác thủy sản nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, có chính sách giãn nợ tín dụng tạo điều kiện cho ngư dân ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn khơi khai thác đánh bắt thủy sản, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tiếp đến, các ngành chức năng tỉnh tăng cường phối hợp đấu tranh, phòng ngừa và xử lý vi phạm, quản lý, kiểm soát chặt chẽ vùng khai thác thủy sản, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, tuần tra, truy quét, xử lý nghiêm, kịp thời tàu cá vi phạm khai thác IUU. Kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan để tàu cá và ngư dân địa phương tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản. Tăng cường lực lượng và phương tiện kiểm ngư đảm bảo tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thượng tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thực hiện kiểm tra việc lắp đặt và quản lý thiết bị giám sát hành trình VMS trên tàu cá; kiểm tra việc đánh dấu tàu cá, đăng ký, đăng kiểm tàu cá và kẻ số đăng ký tàu cá theo đúng quy định, các loại giấy tờ của thuyền trưởng, thủy thủ trên tàu; thực hiện nghiêm việc kiểm soát tàu cá ra-vào cảng, khi đủ điều kiện Bộ đội Biên phòng mới làm thủ tục xuất-nhập cảng, bến, bãi.

Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt tập trung vào các tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình VMS, hoặc đã lắp đặt nhưng tìm cách làm tắt thiết bị, thiết bị mất kết nối khi hoạt động trên biển.

Mặt khác, ngành chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường vận động các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái pháp luật, khai thác IUU, đảm bảo tàu cá khi xuất-nhập bến phải có đầy đủ các điều kiện, thủ tục theo quy định.

Yêu cầu các chủ tàu cá có tàu chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, thay thế kịp thời những thiết bị giám sát bị hư hỏng, không sử dụng được. Các địa phương lập danh sách quản lý chặt chẽ, tổ chức tốt việc kiểm điểm, công khai đối với các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.