TKV cam kết cung cấp vượt 15% khối lượng than cho sản xuất điện

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cam kết 6 tháng cuối năm, TKV sẽ đảm bảo cung cấp khoảng 18,7 triệu tấn than và dự kiến cả năm dự kiến đạt 39,7 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2022.
TKV cam kết cung cấp vượt 15% khối lượng than cho sản xuất điện ảnh 1Hệ thống băng tải vận chuyển than. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng than cấp các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đạt 20,981 triệu tấn (tương đương đạt 54,5% khối lượng hợp đồng), tăng 15,2% so cùng kỳ 2022.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cam kết 6 tháng cuối năm, TKV sẽ đảm bảo cung cấp khoảng 18,7 triệu tấn than và dự kiến cả năm dự kiến đạt 39,7 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2022.

Theo TKV, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện những tháng mùa khô (tháng 5,6,7/2023) đặc biệt là tại chuyến công tác kiểm tra sản xuất và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Quảng Ninh ngày 11/6/2023, Tập đoàn đang đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện, trong đó có các nhà máy nhiệt điện của EVN.

[Quảng Ninh đề xuất các giải pháp phát triển bền vững ngành than]

Cụ thể, TKV cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện BOT 7,079 triệu tấn than, bằng 63,2% kế hoạch năm; nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 9,72 triệu tấn, bằng 54,1% khối lượng hợp đồng cả năm; nhà máy nhiệt điện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 1,382 triệu tấn, bằng 36,4% khối lượng hợp đồng; nhà máy nhiệt điện của TKV là 2,267 triệu tấn, bằng 51,1% khối lượng họp đồng; nhà máy nhiệt điện khác 0,533 triệu tấn, bằng 48,5% khối lượng hợp đồng.

Như vậy, việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đều đảm bảo đạt tiến độ hợp đồng, thậm chí, có một số nhà máy nhiệt điện vượt tiến độ, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một vài nhà máy nhiệt điện chưa đạt tiến độ. Chẳng hạn như: nhà máy nhiệt điện Phả Lại đạt thấp (bằng 34,9%) do bị sự cố tổ máy thời gian dài đến nay vẫn chưa sửa chữa khắc phục xong.

Các nhà máy nhiệt điện của PVN như: Vũng Áng 1 và Thái Bình 2 chưa đạt tiến độ do Vũng Áng 1 có 1 tổ máy bị sự cố thời gian dài ngày đến nay vẫn chưa sửa chữa khắc phục xong và Thái Bình 2 đang trong quá trình chạy thử, đến tháng 6 mới chính thức vận hành thương mại cả 2 tổ máy.

Các nhà máy nhiệt điện khác đạt thấp như: Thăng Long đến tháng 2 mới tiếp nhận than do vướng mắc về tài chính; An Khánh đến tháng Năm mới bắt đầu tiếp nhận than.

Về cấp than cho các nhà máy nhiệt điện cao điểm mùa khô (tháng 5-6/2023) cũng đã được TKV khẩn trương triển khai.

Ngày 9/5/2023 lãnh đạo hai Tập đoàn TKV và EVN đã làm việc và thống nhất với các nhà máy nhiệt điện BOT giảm khối lượng tồn kho từ 14 ngày xuống 7 ngày, nhằm tăng khối lượng cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN (giảm khối lượng giao than trong tháng 5 của BOT Hải Dương 60.000 tấn cám 6b.1 và BOT Vĩnh Tân 1 100.000 tấn cám 6a.1) để tăng khối lượng than pha trộn nhập khẩu (khoảng 220.000 tấn) cho các nhà máy nhiệt điện của EVN.

Đồng thời, TKV cấp bổ sung 80.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN và sẽ được bù trừ vào các tháng mùa mưa của năm 2023.

Trong tháng Năm, TKV cũng đã thực hiện giao bổ sung cho các nhà máy nhiệt điện EVN khoảng 300.000 tấn.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết tháng 6-7/2023, theo đề nghị của của EVN, căn cứ vào khả năng TKV sẽ cấp bổ sung cho các nhà máy nhiệt điện của EVN bình quân 10.000 tấn/tháng/nhà máy so với tiến độ quy định trong hợp đồng đã ký. Cùng đó, giảm khối lượng giao than trong tháng Sáu của BOT Mông Dương 2 khoảng 40.000 tấn cám 6a.1 để tăng khối lượng than pha trộn nhập khẩu khoảng 50.000 tấn cấp bổ sung cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 30.000 tấn và Hải Phòng 20.000 tấn.

Ngoài ra, trong tháng Sáu, TKV cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khoảng 300.000 tấn than, cao hơn cam kết theo hợp đồng đã ký (140.000 tấn) theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện phía Bắc.

TKV cho biết dự báo nhu cầu than điện 6 tháng cuối năm 2023, theo nguồn huy động điện của A0-EVN (phương thức vận hành tháng 6/2023 và cập nhật các tháng còn lại trong năm 2023), nhu cầu than cho điện tăng cao đến hết tháng 7/2023 sau đó sẽ giảm trong các tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11/2023.

Dự kiến, theo tiến độ hợp đồng nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện 6 tháng cuối năm là 18,745 triệu tấn và cả năm dự kiến đạt 39,7 triệu tấn tăng khoảng 1,2 triệu tấn so hợp đồng (chủ yếu là do các nhà máy nhiệt điện BOT tăng khối lượng  và khối lượng tăng thêm tháng 5,6,7/2023 các nhà máy nhiệt điện của EVN).

Căn cứ theo dự báo huy động điện và tình hình huy động các nguồn điện hiện nay của EVN, trong giai đoạn mùa khô, EVN đã huy động thêm tối đa các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu, tăng huy động nguồn điện năng lượng tái tạo.

Dù vậy, dự báo nhu cầu lấy than của TKV trong 6 tháng cuối năm cho sản xuất điện đạt khối lượng hợp đồng, có thể đạt tới mức tối đa + 5%.

Kể cả trong trường hợp các nhà máy thủy điện có nước hoặc giá than nhập khẩu giảm về mức cạnh tranh với than trong nước thì các nhà máy nhiệt điện cũng sẽ thực hiện đủ khối lượng đã ký với TKV do hiện nay tồn kho tại các nhà máy rất thấp và khách hàng sẽ lấy than để có lượng tồn kho hợp lý gối đầu vào năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.