Tổ chức OPEC+ hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ trong năm 2021

Theo báo cáo của OPEC+, trong năm 2021, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm 6,2 triệu thùng mỗi ngày so với năm ngoái, giảm 0,3 triệu thùng/ngày so với dự báo của tháng trước.
Tổ chức OPEC+ hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ trong năm 2021 ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở Iran. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2021, qua đó thể hiện sự ủng hộ chính sách siết chặt nguồn cung trong năm tới.

Theo báo cáo của Ủy ban Kỹ thuật Chung (JTC) của OPEC+, trong năm 2021, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm 6,2 triệu thùng mỗi ngày so với năm ngoái, giảm 0,3 triệu thùng/ngày so với dự báo của tháng trước.

JTC đã họp trực tuyến vào ngày 16/11, trước thềm cuộc họp của Ủy ban Giám sát cấp bộ trưởng chung trong ngày 17/11.

[OPEC+ xem xét khả năng hoãn tăng sản lượng dầu vào đầu năm 2021]

Nhóm các nhà sản xuất OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021 - tương đương 2% sức tiêu thụ toàn cầu- nhằm nới lỏng việc cắt giảm nguồn cung.

Tuy nhiên, do nhu cầu có khả năng suy yếu, OPEC+ đang cân nhắc trì hoãn việc tăng sản lượng.

Một phương án đang nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên là duy trì việc giảm sản lượng ở mức 7,7 triệu thùng/ngày thêm 3-6 tháng, thay vì giảm bớt xuống còn 5,7 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021.

JTC vẫn đang cân nhắc cả hai phương án. Trong trường hợp việc cắt giảm được kéo dài đến cuối tháng 3/2021, lượng dầu mỏ thương mại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong năm 2021 sẽ cao hơn mức trung bình của 5 năm là 73 triệu thùng.

Trong trường hợp được gia hạn đến tháng 6/2021, lượng dầu của OECD trong năm sau sẽ cao hơn mức trung bình của 5 năm là 21 triệu thùng.

Dự kiến OPEC+ sẽ nhóm họp vào các ngày 30/11 và ngày 1/12 tới để quyết định chính sách sản lượng trong năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.