Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong thời gian qua, vẫn còn một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành không đúng hạn.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư ảnh 1Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Nguồn: mpi.gov.vn)

Sáng 25/8, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Qua đánh giá, các thành viên của Tổ công tác cơ bản nhất trí với Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Theo báo cáo, trong 8 tháng đầu năm 2016, số lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ rất lớn, cao hơn nhiều so với các bộ, cơ quan, địa phương khác, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong chương trình cũng như giao bổ sung.

Các nhiệm vụ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất đều thể hiện tính nhất quán quan điểm đổi mới, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp kịp thời trong điều hành kinh tế vĩ mô, thực hiện định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực phục vụ.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành không đúng hạn như: Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La; việc tổng hợp, chọn lọc các dự án ưu tiên đầu tư, đề xuất nhu cầu và nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; việc bố trí vốn thực hiện các dự án thủy lợi, cấp nước sạch cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng 2020...

Giải thích nguyên nhân dẫn đến một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chậm tiến độ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do tập trung thực hiện gấp nhiều đề án, báo cáo lớn nên đã ảnh hưởng đến thời gian thực hiện. Một số nhiệm vụ có nội dung phức tạp, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tổng hợp để đề xuất có chất lượng, hiệu quả dẫn đến tiến độ bị chậm trễ.

Bên cạnh đó, do đơn vị chủ trì, chuyên viên của Bộ được giao theo dõi chịu trách nhiệm chưa tích cực, chủ động trong nghiên cứu, đề xuất kịp thời phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan…

Nhằm khắc phục những hạn chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể là tập trung nhân lực, thời gian để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm những nhiệm vụ còn tồn đọng, quá hạn; nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan; giữa đơn vị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Bộ, ngành, địa phương liên quan; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng tham mưu về cơ chế, chính sách vĩ mô…

Nhân dịp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ sớm ban hành Quy chế làm việc mới, trong đó quy định rõ quy trình, trách nhiệm, thời hạn xử lý công việc ở từng khâu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.

Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc liên thông về ứng dụng giữa cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ và Hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ tại Bộ tương tự như Hệ thống quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Qua các ý kiến và báo cáo, phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt vai trò quan trọng trong tham mưu về xây dựng cơ chế, chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội; soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn còn thực hiện chậm tiến độ.

Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ được giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm hơn nữa, đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo, điều hành công việc; trong đó cần chuyển động mạnh mẽ về tư tưởng, xóa bỏ cơ chế xin cho, xóa bỏ giấy phép con.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị chủ trì xử lý những nhiệm vụ sắp đến hạn, khẩn trương thực hiện bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định; quán triệt nghiêm túc, đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đến tất cả cán bộ, công nhân viên trong việc quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc; thực hiện tốt Quyết định số 497/QĐ-BKHĐT ngày 14/4/2016 của Bộ trưởng ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nếu có khó khăn, vướng mắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần báo cáo, đề xuất với Văn phòng Chính phủ để có hướng giải quyết, không để tồn đọng, quá hạn.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khắc phục những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao trong thời gian qua…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.