Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Tất cả 63/63 tỉnh thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn.
Đó là những số liệu được công bố trong buổi họp báo nhân kỷ niệm Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4 vừa diễn ra sáng 31/3 tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót tại Việt Nam đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Số bom mìn chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung.
Chỉ tính riêng ở một số tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quãng Ngải đã có trên 22.800 người là nạn nhân của bom mìn, đã có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Tại buổi họp báo, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân tai nạn chủ yếu xảy ra do người dân và trẻ em không có hiểu biết về xử lý về vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ. Đặc biệt, việc dò tìm lén lút phế liệu từ bom mìn cũng là một phần nguyên nhân chính làm tăng số lượng người tử vong và thương tích. Thống kê cho thấy tai nạn do thu nhặt kim loại phế liệu chiếm tới 34%; do canh tác, chăn thả chiếm 27%; do đùa nghịch với vật liệu chiếm 21%...
Ô nhiễm bom mìn đã gây tổn thất nặng nề về tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, phát triển ổn định bền vững. Đặc biệt, ô nhiễm bom mìn đang hạn chế diện tích đất sinh hoạt, đất canh tác khiến nhiều nơi người dân bị đói nghèo.
Vừa qua, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ Đạo Nhà nước về chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động định hướng trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016 – 2020.
Trong đó, tập trung vào một số điểm như: củng cố, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và quy mô trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn; hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho nạn nhân bom mìn; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng… ./.