Nếu như năm 2022, cả nước có 222 nạn nhân bị mua bán, thì trong 6 tháng đầu năm nay, số nạn nhân bị mua bán là 224 người. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, đối tượng cầm đầu đường dây, tổ chức thường ở nước ngoài gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện chương trình phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay, 28/7, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định tình hình mua bán người trên các tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào, nhất là sau đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Nếu như trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thì hiện nay các nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều.
Địa bàn mua bán người cũng thay đổi, có xu hướng chuyển từ phía Bắc vào miền Trung và miền Nam. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, đối tượng cầm đầu đường dây, tổ chức thường ở nước ngoài, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống. Mặc dù vậy, công tác đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán người của lực lượng chức năng và các địa phương thời gian qua đã giải cứu được nhiều nạn nhân. Việc phối hợp tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về đã giúp nhiều người vượt qua mặc cảm có cuộc sống ổn định.
Ông Lê Quang Nguyên, Phòng Phòng chống mua bán người, Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bội biên phòng cho biết: "Trong công tác hỗ trợ nạn nhân thì chúng tôi trên cơ sở nguyện vọng để có những hỗ trợ ban đầu, đặc biệt là những trường hợp nạn nhân sau khi bị ép kết hôn trái pháp luật ở nước ngoài hoặc những trường hợp bị cưỡng bức lao động ở nước ngoài khi được giải cứu về thì người ta chỉ có yêu cầu là được về nhà để có sự yêu thương, tình cảm gia đình."
[Việt Nam sẵn sàng hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người]
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, công tác phòng chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng trong bối cảnh hiện nay được dự báo còn nhiều thách thức. Tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới các băng đảng thông qua các mối quan hệ phúc tạp ở nhiều quốc gia, với những thủ đoạn tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là tình nguyện viên trong các trại tị nạn, các cơ sở y tế tư nhân, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thông qua các nển tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc cán nạn nhân.
Vì vậy, bà Nguyễn Thuỳ Dương cho hay Đảng, Nhà nước ta đã xác định phòng chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa loạt tội phạm này. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn nữa vấn đề này mà trực tiếp là Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Tại hội thảo, đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết sẽ tăng cường phối hợp thông qua các cơ chế đối tác song phương, đa phương, hỗ trợ xây dựng chương trình hành động để thực hiện tốt được các khuyến nghị về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo cho các lực lượng như bộ đội biên phòng, Bộ công an, lực lượng tuyến đầu ngăn chặn mua bán người qua biên giới, các trung tâm hỗ trợ để giải quyết các vấn đề về sang chấn tâm lý cho nạn nhân mua bán người./.