Tokyo cân nhắc gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải tăng lương

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang cân nhắc khả năng gây áp lực buộc các công ty phải tăng lương cho người lao động vào năm tới.
Tokyo cân nhắc gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải tăng lương ảnh 1Công nhân làm việc trong nhà máy của Công ty Toyota Đông Nhật Bản ở Taiwa, Miyagi Prefecture (Nhật Bản). (Nguồn: KYODO/TTXVN)

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang cân nhắc khả năng gây áp lực buộc các công ty phải tăng lương cho người lao động vào năm tới, như một biện pháp cải thiện sức tăng trưởng ì ạch của nền kinh tế do chi tiêu tiêu dùng yếu.

Giải pháp này được tính đến sau khi các số liệu công bố tuần này cho thấy kinh tế Nhật Bản sụt giảm 1,6% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, do xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân sa sút.

Cụ thể, tiêu dùng cá nhân - chiếm 60% GDP của Nhật Bản - giảm 0,8% so với quý trước, cao gấp đôi mức giảm dự báo của các nhà kinh tế. Xuất khẩu cũng giảm 4,4%.

Ngoài ra, tiền lương thực tế trong tháng Sáu giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất trong bảy tháng trở lại đây, cũng là yếu tố thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản ép các doanh nghiệp tăng lương.

Theo số liệu từ các công đoàn lao động hàng đầu của Nhật Bản, mức lương đã tăng một cách "khiêm tốn" trong thời gian qua, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và cuộc sống người dân nói riêng.

Các số liệu kinh tế ảm đạm nói trên càng củng cố quan điểm cho rằng kinh tế Nhật Bản đang phục hồi yếu ớt sau khi chính phủ điều chỉnh tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% từ tháng Tư năm ngoái.

Điều này cũng làm dấy lên quan ngại về hiệu quả của chính sách Abenomics, với các giải pháp như nới lỏng tiền tệ và tái cơ cấu kinh tế, để đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi giảm phát.

Thủ tướng Abe nhậm chức cuối năm 2012 với cam kết sẽ đưa Nhật Bản thoát khỏi giai đoạn giảm phát và bất ổn kinh tế bằng chính sách Abenomics.

Tuy nhiên, nỗ lực của ông Abe đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi nhu cầu tiêu dùng giảm, tiền lương tăng chậm và thời tiết xấu khiến người dân ít ra ngoài mua sắm.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã tổ chức nhiều diễn đàn hối thúc các doanh nghiệp tư nhân chi tiêu và đầu tư nhiều hơn, đồng thời gây sức ép để các doanh nghiệp tăng lương thông qua nhiều cuộc họp với giới vận động hành lang kinh doanh và công đoàn lao động.

Tuy nhiên, việc tăng lương mới chỉ diễn ra ở các công ty lớn, chứ chưa được nhân rộng trong toàn nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.