Tôm hùm bông khó xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa rõ lý do

Với hoạt động liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, rất có khả năng ảnh hưởng đến cả xuất khẩu tôm hùm sống.
Tôm hùm bông khó xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa rõ lý do ảnh 1Thu hoạch tôm hùm nuôi. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Trước thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus), Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương theo dõi sát thông tin thị trường để khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi: giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh và thu hoạch vào thời điểm thích hợp.

Đồng thời, tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận được phản ánh từ một số cơ sở xuất khẩu tôm hùm và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên về việc Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu tôm hùm bông.

Để xác minh thông tin và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan và tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sống của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được nhanh chóng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc (Công văn773/CCPT-ATTP ngày 11/9/2023), gửi Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Công văn số 912/CCPT-ATTP ngày 28/9/2023).

Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam. Tuy nhiên, hiện phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang bận nên chưa thu xếp làm việc theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để duy trì phát triển và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm hùm đặc biệt đối với tôm hùm bông, Cục Thủy sản đã có băn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển có nuôi tôm hùm; Hội Nghề Cá các tỉnh có nuôi tôm hùm về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.

Theo đó, Cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm hùm chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về quản lý giống tôm hùm (QCVN 02-34-2: 2021/BNNPTNT; văn bản 6361/BNN-TY ngày 11/9/2023) và chỉ đạo của Cục Thủy sản (văn bản 1087/TS-GTATS ngày 17/10/2023 về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm hùm giống; văn bản 613/TS-NTTS ngày 16/8/2023 về tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trên biển Nam Trung Bộ.

[Quảng Ninh: Xuất khẩu tôm hùm trở lại bình thường ở Móng Cái]

Các đơn vị hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng bè theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Đồng thời, kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh tháo gỡ khó khăn trong “Xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng, bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.”

Địa phương quản lý tốt chất lượng tôm giống, thuốc phòng trị bệnh tôm hùm. Tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai kết quả xử lý theo quy định.

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật và hỗ trợ xử lý các sự cố kỹ thuật (nếu có) trong quá trình nuôi.

Các địa phương cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cho người nuôi các biện pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi; cập nhật thông tin đầy đủ vào nhật ký, lưu giữ hồ sơ chứng từ có liên quan để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.

Hội Thủy sản Việt Nam, Hội nghề Cá các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời thông tin đến các hội viên về các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết theo thông lệ, trường hợp phía Trung Quốc ban hành quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản nhập khẩu, sẽ gửi thông báo tới các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Cục chưa nhận được thông báo của Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc về các quy định mới này cũng như thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông sống từ Việt Nam.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu tôm hùm từ Canada, Mỹ, New Zealand, Cuba, Ấn Độ, Brazil, Mexico... có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu tôm với Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.