Tôm sinh thái Cà Mau "vươn mình" chinh phục thị trường

Với tiềm năng và lợi thế, Cà Mau mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, giúp người dân nâng cao thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm tôm sạch xuất khẩu.
Tôm sinh thái Cà Mau "vươn mình" chinh phục thị trường ảnh 1Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với tiềm năng và lợi thế, Cà Mau đã mạnh dạn bố trí lại loại hình nuôi, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường.

Đặc biệt, phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm tôm sạch, chất lượng để xuất khẩu và hơn thế còn tạo ra giá trị về bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy đây là hướng đi chiến lược, phù hợp đối với ngành xuất khẩu tôm trong năm 2022.

Chú trọng phát triển vùng nuôi

Huyện Ngọc Hiển có diện tích đất lâm nghiệp kết hợp nuôi thủy sản trên 53.000ha với 11.000 hộ sản xuất; trong đó, diện tích nuôi tôm sinh thái đạt khoảng 20.000 ha. Hiện tại, các tổ chức quốc tế đã chứng nhận 9.300ha với hơn 1.800 hộ nuôi.

Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển luôn kêu gọi doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với hộ nuôi tôm sinh thái trên địa bàn nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra giúp nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm sinh thái. Nhờ đó, mô hình nuôi tôm sinh thái từng bước đạt được hiệu quả tích cực. Năm 2022, năng suất bình quân đạt từ 200-220 kg/ha/năm, tăng từ 20-40 kg/ha/năm so với năm 2021.

Hiện nay, địa bàn huyện có 3 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái gồm: Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm-rừng Minh Phú, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Camimex Cà Mau và Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Seaprimexco Năm Căn. Các công ty thu mua tôm sú của hộ dân theo giá thị trường và có chính sách hỗ trợ dành riêng cho các hộ đạt chứng nhận quốc tế nhằm nâng cao lợi nhuận, tạo động lực giúp họ phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái.

[Cà Mau: Công bố mô hình nuôi tôm hiệu quả bền vững của Âu Mỹ AEC]

Ông Lâm Thái Xuyên, Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú, cho biết tại huyện Ngọc Hiển, công ty đã xây dựng được 3 nơi trọng điểm về nuôi tôm sinh thái gồm các xã: Viên An, Viên An Ðông và thị trấn Rạch Gốc có tổng diện tích 10.000ha với khoảng 2.000 hộ dân tham gia.

Vùng nuôi tôm sinh thái được các tổ chức chứng nhận tôm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế như EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, Mangroves Shrimp và Seafood Watch Green.

"Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, công ty làm rất tốt việc chi hỗ trợ hộ nuôi tôm sinh thái với giá 3.000 đồng/kg và chi hỗ trợ dịch vụ bảo vệ rừng cho người nuôi tôm," ông Lâm Thái Xuyên thông tin.

Từ năm 2017, gia đình ông Bùi Văn Sỹ, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển bắt đầu nuôi tôm sinh thái, với diện tích khoảng 6ha, mỗi năm cho thu nhập trên 230 triệu đồng.

"Sau quá trình thực hiện, đến nay có thể khẳng định phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái là chủ trương hợp lòng dân. Bởi hộ dân khi tham gia vào mô hình không chỉ được hưởng lợi rất nhiều về năng suất tôm nuôi mà còn hạn chế tối đa vấn nạn môi trường nước nuôi tôm bị ô nhiễm. Tuy nhiên, để được chứng nhận về diện tích nuôi tôm sinh thái, hộ dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi, ghi chép đầy đủ, con giống phải đạt chứng nhận sinh thái, môi trường nuôi sạch, đảm bảo diện tích rừng che phủ 40%," ông Bùi Văn Sĩ khẳng định.

Theo ông Nguyễn Anh Duy, nhân viên điều phối WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên), tới đây đơn vị sẽ tiến hành thực nghiệm khoảng 100ha nuôi tôm sinh thái và sẽ đề nghị tách bạch việc chi trả giá thu mua tôm sú sinh thái và dịch vụ rừng cho hộ dân. Từ đó đảm bảo quyền lợi cho hộ dân, giúp bà con yên tâm phát triển mô hình kinh tế chủ lực này.

Tôm sinh thái Cà Mau "vươn mình" chinh phục thị trường ảnh 2Quang cảnh Hội nghị Công bố mô hình nuôi tôm hiệu quả của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Đầu tư Âu Mỹ-AEC trong 10 năm qua. (Ảnh: Hồng Đạt/Vietnam+)

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Ngọc Hiển phấn đấu tất cả diện tích tôm - rừng trên địa bàn huyện được các tổ chức chứng nhận đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái. Về vấn đề này, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hiển, cho hay tới đây huyện sẽ kết nối với các công ty sản xuất giống an toàn, đơn vị thu mua sản phẩm tôm sinh thái và hộ dân để có những giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái bền vững, hướng đến vùng nuôi xanh, an toàn, tạo thuận lợi nhất cho người dân hưởng lợi về giá trị tăng thêm.

"Địa phương xác định, bên cạnh chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất tôm giống thì việc thực hiện tốt hơn việc trồng và bảo vệ cây rừng, bảo vệ môi trường là những ưu tiên hàng đầu. Đây là nền tảng quan trọng góp phần ổn định sản xuất, nâng cao mức sống hộ dân sinh sống dưới tán rừng; đồng thời hướng đến mục tiêu xây dựng vùng quy hoạch nuôi tôm sinh thái bền vững trong tương lai," ông Trần Hoàng Lạc nhấn mạnh.

Chủ động bứt phá

Kinh tế thuỷ sản từ lâu luôn được xác định là thế mạnh đặc trưng của tỉnh Cà Mau; trong đó, tạo ra giá trị lớn nhất là mặt hàng tôm nuôi. Với diện tích nuôi tôm khoảng 280.000ha cho sản lượng tôm nuôi đạt trên 200.000 tấn/năm, Cà Mau đã chiếm gần 40% diện tích nuôi và chiếm khoảng 22% sản lượng tôm nuôi của cả nước.

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới luôn tăng trưởng nhưng đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu cũng vì thế mà ngày càng khắc khe hơn.

Theo đánh giá, năng suất nuôi tôm của Việt Nam tuy chưa thể so với một số nước như Ecuador hay Ấn Độ nhưng về chất lượng tôm đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Thương hiệu tôm Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng đang dần được xây dựng vững chắc nhờ điểm nhấn tôm sinh thái.

Do đó, ngoài việc xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền rà soát thống kê lại toàn bộ diện tích tôm nuôi với các loại hình trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, xác định sản lượng từng đối tượng nuôi cụ thể, từ đó sẽ hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các chuỗi siêu thị liên kết thu mua nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi cho người dân; rà soát thông tin về việc các thương lái thu mua ép giá người nuôi trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định. Ðồng thời, xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm tôm nuôi nhằm tham gia xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.

Tôm sinh thái Cà Mau "vươn mình" chinh phục thị trường ảnh 3Thu hoạch tôm ở Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, Cà Mau đã triển khai giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển xuất khẩu, đồng thời xây dựng các nội dung hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh. Đồng thời, tỉnh còn giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh hậu đại dịch vừa qua; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain...) vào truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản…

Thông tin từ một số doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn Cà Mau cho biết, hiện các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài đến hết tháng 12/2022 với giá xuất khẩu ổn định và tiếp tục đàm phán, thỏa thuận ký kết cho giai đoạn tiếp theo. Do đó, hoạt động xuất khẩu tôm sắp tới vẫn ổn định và có xu hướng tăng, không có trường hợp bị ứ đọng hàng hóa và có yếu tố thuận lợi khi thực hiện các thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã loại bỏ dần thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa Việt Nam; trong đó, có xuất khẩu thủy sản. Đồng thời, cũng tạo ra khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư lành mạnh, công bằng tại các nước EU.

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng mở ra những cơ hội việc làm cho người lao động khi xuất khẩu tăng, hoạt động sản xuất được mở rộng dẫn đến cơ hội việc làm tăng theo.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho hay địa phương đã khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu ngay sau khi các nước dần kiểm soát được đại dịch COVID-19, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định EVFTA. Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu của tỉnh vào các thị trường chính đều tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, thị trường EU tăng gần 41%, Australia tăng 85%, Canada tăng gần 23%, Hàn Quốc tăng 14%, Nhật Bản tăng hơn 13%... Theo đó, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mốc 1,3 tỷ USD, vượt 13% kế hoạch, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, lĩnh vực chế biến tôm tiếp tục là điểm sáng với sản lượng chế biến ước đạt 200.000 tấn, đóng góp quan trọng vào 1,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản của địa phương.

Với sự chủ động trong hoạch định kế hoạch với những giải pháp cụ thể, năm 2022, tỉnh Cà Mau lần thứ 3 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD. Điều này cho thấy, khả năng thích ứng của ngành xuất khẩu tôm đang dần được cải thiện bất chấp biến động thị trường cùng rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.