Reuters/AFP đưa tin, trong động thái thừa nhận đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng các hành động thương mại ráo riết của ông đang gây tổn hại tới người dân Mỹ, ngày 24/7, chính phủ đã công bố khoản viện trợ trị giá 12 tỷ USD cho các nông dân, vốn là mục tiêu trả đũa hàng đầu của các nước bên ngoài.
Chính quyền Trump cho biết họ sẽ sử dụng chương trình thời Đại suy thoái để giúp các nông dân Mỹ chống chọi với cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác mà Tổng thống khơi mào.
Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định duy trì các biện pháp thuế quan như “vũ khí” cho cuộc “xung đột” này.
Các chính sách thương mại của ông Trump đã trở thành trọng tâm trong một số cuộc chạy đua giành ghế Thượng viện Mỹ tại các bang thuộc vùng nông thôn trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới.
Phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Kansas ngày 24/7, Tổng thống Trump tái khẳng định sự ủng hộ của ông cho các biện pháp thuế quan và cam kết rằng “các nông dân sẽ là người hưởng lợi lớn nhất.” Ông nói: “Hãy kiên nhẫn một chút.”
[Viết lại luật chơi thương mại, Tổng thống Mỹ Trump “phản lưới nhà”]
Giới chức cho biết gói viện trợ được đưa ra như biện pháp kích thích tạm thời cho các nông dân trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán về các vấn đề thương mại.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nói: "Đây rõ ràng là một giải pháp ngắn hạn sẽ giúp Tổng thống Trump có thêm thời gian để vạch ra chính sách thương mại dài hạn."
Theo ông Perdue, gói viện trợ này sẽ được tài trợ qua Công ty Tín dụng Hàng hóa (CCC) của Bộ Nông nghiệp và không cần sự thông qua của Quốc hội.
Hành động này của chính phủ dường như đang chia rẽ đảng Cộng hòa, bởi một số đang ca ngợi biện pháp này trong khi một số khác cảm thấy băn khoăn về cái mà họ cho là chương trình viện trợ của chính phủ mà đảng Cộng hòa vốn phản đối.
Nội dung kế hoạch viện trợ
Theo 3 chương trình viện trợ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, các nông dân sẽ nhận các khoản thanh toán trực tiếp hoặc bán các sản phẩm dư thừa cho chính phủ để được dùng cho các “ngân hàng lương thực” hay các khoản viện trợ lương thực khác.
Thêm vào đó, chính phủ sẽ làm việc để mở cửa các thị trường mới.
Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất đậu nành, lúa miến, ngô, lúa mỳ, thịt lợn, sữa, hoa quả, gạo và các loại hạt - tất cả các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế nhằm trả đũa các hành động của Mỹ.
Các quan chức Bộ Nông nghiệp phát biểu với các phóng viên rằng họ vẫn đang làm việc để lên kế hoạch về các chương trình này, được dự kiến sẽ áp dụng vào đầu tháng Chín tới.
[Chính sách thương mại của ông Trump – Bước đảo ngược lịch sử]
Ông Perdue nói: “Hành động này là sự khẳng định chắc chắn rằng các nước khác không thể bắt nạt các nhà sản xuất nông nghiệp của chúng ta nhằm buộc Mỹ phải nhượng bộ. Hành động được coi là đúng đắn của các nước khác sẽ là ngừng các hành vi xấu xa của họ và không trả đũa bằng các biện pháp thuế phi pháp.”
Giải pháp ngắn hạn
Động thái nhằm giảm thiệt hại cho nhóm cử tri quan trọng này đã vấp phải nhiều lời chỉ trích từ các nông dân và các nghị sỹ ở vùng vành đai nông thôn, bao gồm các nghị sỹ đảng Cộng hòa. Các bang vùng nông thôn đã giúp ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này đã xuất khẩu 138 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp trong năm 2017, bao gồm 21,5 tỷ USD đậu nành - mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất. Chỉ riêng Trung Quốc đã nhập khẩu 12,3 tỷ USD đậu nành của Mỹ trong năm ngoái.
Scott Irwin, chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại Đại học Illinois, cho biết quy mô các khoản viện trợ trực tiếp cho nông dân để bù đắp cho sự sụt giảm trong thương mại sẽ ở mức chưa từng có tiền lệ.
Ông nói: “Chúng tôi chưa bao giờ đền bù trực tiếp cho nông dân ở quy mô lớn như vậy bởi các biện pháp thuế trả đũa từ bên ngoài."
Tuy nhiên, Blake Hurst, một nông dân trồng ngô và đậu nành và là Chủ tịch của Hội Nông nghiệp bang Missouri, cho rằng trừ phi các chính sách của Nhà Trắng thay đổi, ngành nông nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục hứng chịu tổn hại.
Ông Hurst nói: “Các khoản tiền đó sẽ giúp ích cho các nông dân đang đối mặt với các khoản vay quá hạn, nhưng hoàn toàn là không đủ nếu nó đồng nghĩa rằng các biện pháp thuế và cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài trong tương lai gần. Chúng chỉ là dải băng tạm thời cho vết cắt tự mình gây ra."
Một số thành viên đảng Cộng hòa cũng đồng tình với quan điểm này. Thượng nghị sỹ Rand Paul của bang Kentucky viết trên Twitter: “Các biện pháp thuế chính là các khoản thuế trừng phạt người tiêu dùng và các nhà sản xuất Mỹ. Nếu thuế quan gây tổn hại các nông dân thì biện pháp này không giúp ích gì cho nông dân mà câu trả lời ở đây phải là xóa bỏ các biện pháp thuế quan."
Thượng nghị sỹ Ben Sasse, một người thường xuyên chỉ trích ông Trump, cho rằng các chính sách thương mại của Tổng thống gợi nhớ tới thời kỳ bất ổn kinh tế nguy hiểm.
Ông nói: “Các biện pháp thuế và gói giải cứu của chính quyền sẽ không đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, chúng chỉ khiến Mỹ trở lại năm 1929.”
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Ron Johnson cảnh báo rằng “không ai giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại”./.