Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng cuối của quý 2, tồn kho bất động sản trên địa bàn cả nước tiếp tục giảm.
Hiện tổng giá trị tồn kho bất động sản còn gần 83.500 tỷ đồng. Nếu so sánh với quý 1/2013 thì con số này đã giảm gần 45.030 tỷ đồng, tương đương 35,03% và 938 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc năm 2013 (ước khoảng 11,58%).
Chỉ so sánh với mốc giá trị tồn kho bất động sản của quý 1/2014 thì giá trị tồn kho bất động sản cũng đã giảm được 526 tỷ đồng.
Hàng hóa tồn kho bất động sản đọng trong phân khúc chung cư gần 17.450 căn hộ, tương đương hơn 26.500 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng ước khoảng 13.860 căn, khoảng 23.620 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở hơn 8,9 triệu m2, tương đương hơn 28.800 tỷ đồng. Cùng với đó, tồn kho đất nền thương mại cũng vào khoảng gần 1,64 triệu m2, tương đương gần 4.550 tỷ đồng.
Chiếm giá trị lớn nhất trong tổng số giá trị hàng hóa bất động sản tồn kho là Thành phố Hồ Chí Minh. Giá trị tồn kho lớn nhất vẫn tập trung vào hàng hóa chung cư với hơn 7.000 căn, khoảng 12.120 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng đầu năm 2014, các dự án chung cư tại Phú Mỹ Hưng, quận 7 và một số quận, huyện gần trung tâm thành phố được tiêu thụ khá tốt đã tác động làm giảm lượng tồn kho của thị trường.
Trong số các dự án giải phóng hàng tồn kho tốt phải kể đến dự án Green Valley-Phú Mỹ Hưng, Sunrise City ở quận 7. Trong khi đó, các dự án có giá bán cao, ở các vị trí xa trung tâm, chưa có hạ tầng xây dựng đồng bộ vẫn tồn kho nhiều. Nhà thấp tầng do trước đây đã có mức giá bán cao, nhiều dự án đầu tư dở dang nên không có nhiều giao dịch.
Tồn kho bất động sản tại Hà Nội chỉ sếp sau Thành phố Hồ Chí Minh với tổng giá trị khoảng hơn 10.900 tỷ đồng. Vẫn lặp lại kịch bản như ở Thành phố Hồ Chí Minh, lượng tồn kho bất động sản tại Hà Nội cũng rơi chủ yếu vào phân khúc chung cư, nhà thấp tầng.
Hiện tồn kho nhà thấp tầng tại địa bàn Hà Nội giảm không nhiều và tính thanh khoản kém tập trung chủ yếu vào các dự án xa trung tâm, chưa hoàn hành đầu tư, chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Điển hình là Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn tại quận Hà Đông tồn kho trên 2.000 căn; Dự án Gamuda-công viên Yên Sở tồn kho gần 300 căn và một lượng đáng kể khác tại dự án Nam An Khánh...
Theo đại diện Bộ Xây dựng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và giảm lượng hàng hóa tồn kho, việc rà soát, phân loại các dự án vẫn được tiếp tục triển khai. Nhiều dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, thậm chí dừng cấp phép mới các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị và phát triển nhà ở được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.