Tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ tại Hậu Giang nhằm tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ.
Tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ ảnh 1Giải đua ghe ngo truyền thống của người Khmer tại Bạc Liêu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Từ ngày 27-29/11, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ 6, năm 2014. Ngày hội nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Hậu Giang đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Công Chánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội xung quanh hoạt động của ngày hội.

- Ngày Hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VI-năm 2014 tỉnh Hậu Giang sắp diễn ra, xin ông cho biết khâu chuẩn bị đến thời điểm này như thế nào?

Ông Trần Công Chánh: Được sự tín nhiệm của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hậu Giang đăng cai tổ chức Ngày hội này. Hậu Giang xác định đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong đời sống, chính trị, văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, đặc biệt là đồng bào Khmer của tỉnh (Hậu Giang có hơn 26 ngàn đồng bào dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ gần 3% dân số của tỉnh. Đây là lực lượng mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ trong vùng).

Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội từ khâu thành lập Ban chỉ đạo, ban tổ chức và hình thành 6 tiểu ban phục vụ lễ hội... đến nay, cơ bản hoàn tất chờ ngày khai mạc vào lúc 20h, ngày 27/11. Dự kiến lễ khai mạc thu hút trên 3 ngàn người; 12 tỉnh, thành phố tham gia, đặc biệt là đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh tham gia rất tích cực.

- Thưa ông, bên cạnh việc phối hợp tổ chức các phần lễ, hội, tỉnh Hậu Giang đảm nhận những hoạt động nào?

Ông Trần Công Chánh: Theo kế hoạch, ngoài 2 hoạt động chính là lễ khai mạc và bế mạc ngày hội có sự tham gia của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, 7 hoạt động còn lại do Hậu Giang thực hiện, gồm liên hoan nghệ thuật, trình diễn trang phục và lễ hội dân gian; thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian; liên hoan văn hóa ẩm thực; triển lãm văn hóa, thể thao và du lịch; giao lưu biểu diễn nghệ thuật và tham quan tại Hậu Giang; hội chợ-triển lãm và tọa đàm xúc tiến du lịch Hậu Giang.

Ngày 22/11, Hậu Giang đã tổ chức khai mạc hội chợ-triển lãm, thu hút trên 350 gian hàng của 12 tỉnh, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham gia.

Hội chợ bao gồm một chuỗi các chương trình hoạt động như hoạt động trưng bày triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam”, “Việt Nam đất nước con người”; triển lãm đặc biệt “Chung mái nhà xanh”- Gắn kết tình đoàn kết trong đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của dân tộc Kinh, Hoa và dân tộc Khmer Nam Bộ; triển lãm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, du lịch của tỉnh Hậu Giang và đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều nhất, tạo thêm phong phú, góp phần cho lễ hội thành công tốt đẹp.

- Với sự tham gia của 12 tỉnh, thành trong khu vực, về phía chủ nhà (Hậu Giang) sẽ mang đến cho Ngày hội những đặc sắc gì riêng biệt, thưa ông?


Ông Trần Công Chánh:
Hậu Giang vốn có truyền thống hiếu khách, môi trường khí hậu trong lành, mát mẻ, là nơi có điều kiện phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Lễ hội diễn ra ở thời điểm này là điều kiện tốt cho du khách đến Hậu Giang tham quan.

Trên tinh thần đó, chúng tôi rất quan tâm từ khâu tiếp đón đến tổ chức cho các đoàn, du khách có điều kiện đi “khám phá” các danh lam thắng cảnh, khu di tích, chùa, đặc biệt là nền văn hóa đồng bào Khmer.

Cùng với khâu tiếp đón khách, vấn đề Hậu Giang quan tâm là tổ chức các hoạt động mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer. Nét nổi riêng biệt của ngày hội lần này là Ban tổ chức lồng ghép tổ chức tọa đàm xúc tiến du lịch để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, lịch sử gắn với du lịch miệt vườn của Hậu Giang.


- Là địa phương được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chọn phối hợp tổ chức, ông kỳ vọng những điều gì ở thành công Ngày hội lần này?

ÔngTrần Công Chánh: Thông qua ngày hội, sẽ tạo điều kiện cho đồng bào Khmer Nam Bộ có dịp giao lưu, học hỏi, kể cả học hỏi về cách làm ăn, sản xuất, sinh hoạt đời sống văn hóa của các tỉnh trong vùng. Đặc biệt, qua lễ hội nhằm thể hiện chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc nói chung, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói riêng để bà con phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, làm giàu chính bản thân mình, góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang ngày một tốt đẹp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục