Tổng Bí thư: Cần đổi mới mô hình tổ chức Hội đồng Lý luận TW

Làm việc với Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Bí thư khẳng định sự tồn tại của Hội đồng là cần thiết song cần phải đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng.
Tổng Bí thư: Cần đổi mới mô hình tổ chức Hội đồng Lý luận TW ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thực hiện chương trình làm việc năm 2014, ngày 27/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương về kết quả công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2015.

Tham dự buổi làm việc có ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các thành viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.

Năm 2014, Hội đồng Lý luận Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới góp phần tích cực xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội XII tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu các đề tài trong Chương trình trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015.”

Kết quả nghiên cứu của Chương trình có nhiều điểm mới, đóng góp thiết thực vào tổng kết 30 năm đổi mới, vào xây dựng Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI và xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng hoàn thành các chuyên đề trong xây dựng Báo cáo tư vấn chủ động, tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu lý luận và một số nhiệm vụ quan trọng khác.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết luận buổi làm việc.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương trong năm 2014, có nhiều đóng góp vào công tác lý luận của Đảng.

Riêng 6 tháng cuối năm, Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm được khối lượng công việc khá lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Dự thảo Báo cáo Tổng kết trình Trung ương thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện, theo đúng kế hoạch đề ra.

Hội đồng Lý luận Trung ương đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII, gồm Báo cáo Chính trị, báo cáo về kinh tế-xã hội, tổng kết công tác xây dựng Đảng… tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương soạn thảo các chuyên đề nghiên cứu học tập cho Bộ Chính trị đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu các đề tài trong Chương trình trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015,” quan tâm đến việc tổng hợp, chắt lọc các kết quả nghiên cứu mới.

Hội đồng Lý luận Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, với nhiều hình thức như xuất bản sách, tổ chức hội thảo, tổ chức các cuộc trao đổi… tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận chính trị, mở rộng giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm… đổi mới phong cách, phương thức, lề lối làm việc, nội bộ đoàn kết, sự phối hợp giữa các bộ phận của Hội đồng, giữa Hội đồng với các bộ, ngành, địa phương chặt chẽ hơn, tranh thủ, tập hợp được nhiều ý kiến tham mưu của các đồng chí có trình độ, vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sự tồn tại của Hội đồng Lý luận Trung ương là cần thiết, hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương là bổ ích, hiệu quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, cần đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động, tiếp tục có biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, nhất là trong những công việc còn nhiều hạn chế, tồn tại hiện nay.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2015 - năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, với nhiều hiệp định, lộ trình bắt đầu đi vào thực hiện, đồng thời ký kết một loạt hiệp định mới, tổng kết 20 năm hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương. Vì vậy, Hội đồng cần có chương trình kế hoạch hoạt động phù hợp, bám sát chương trình làm việc của Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, gắn với các đường lối, chủ trương lớn của Đảng.

Tổng Bí thư đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục giúp Ban chỉ đạo, Bộ Chính trị hoàn thiện Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, xuất bản vào tháng 5/2015 kịp gửi Đại hội Đảng bộ các cấp tham gia tích cực, có chất lượng vào việc hoàn thiện dự thảo Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, sẽ đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Hội đồng Lý luận Trung ương phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, bảo đảm chất lượng các đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015, đồng thời thực hiện tốt việc tổng hợp, chắt lọc, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng chủ trương, chính sách chủ động và tăng cường hơn nữa việc tổ chức trao đổi, đối thoại, tranh luận lý luận, khoa học.

Đối với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những vấn đề liên quan đến Cương lĩnh, Hiến pháp, đến đường lối cơ bản, Hội đồng cần dứt khoát phải đấu tranh phê phán, bác bỏ, đòi hỏi những người làm công tác lý luận chính trị phải rất có bản lĩnh, kiên định lập trường, có hiểu biết thực tiễn sâu rộng, nắm vững lý luận cơ bản, phải có trình độ lập luận, đối thoại, phương pháp trình bày… Đây sẽ còn là cuộc đấu tranh lâu dài.

Hội đồng Lý luận Trung ương cần tiếp tục duy trì và làm tốt hơn nữa việc trao đổi lý luận hợp tác với các nước tổng kết 20 năm hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương, nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức và hoạt động xây dựng chương trình nghiên cứu nhiệm kỳ 2016-2020, đáp ứng yêu cầu 5 năm, 10 năm tới.

Muốn vậy, Hội đồng Lý luận Trung ương phải đẩy mạnh đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, hoàn thiện mô hình tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, tăng cường quan hệ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị… để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Trung ương, Bộ Chính trị giao phó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục