Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn quan liêu tham nhũng lãng phí.
Chia sẻ những băn khoăn lo lắng của cử tri về tệ nạn quan liêu tham nhũng lãng phí, tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội ngày 6/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết mặc dù vừa qua đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng đây là cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, dai dẳng, khó khăn, liên quan đến lợi ích, danh dự của mỗi con người, mỗi tổ chức, đặc biệt là lợi ích bây giờ chằng chịt với nhau, chưa kể bên ngoài khía vào.
Tổng Bí thư khẳng định: “Đảng, Nhà nước ta quyết tâm làm, coi đây là nhiệm vụ để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy Nhà nước, vừa qua đã làm được một số vụ án lớn, bây giờ tiếp tục đưa ra xét xử một số vụ án lớn nữa, như vụ án Phạm Công Danh và đồng bọn…; phải quyết tâm làm, có bước đi chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, giữ vững ổn định để phát triển đất nước…
Cái mừng cái mới lần này là sau khi có chỉ đạo, dường như cả guồng máy, cả hệ thống cùng vào cuộc, một mình Tổng Bí thư chẳng làm được đâu, mà phải toàn dân, cả hệ thống cùng làm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành cùng vào cuộc. Với khí thế mới, tin rằng chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa.”
Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về công tác cán bộ, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Công tác cán bộ là gốc của mọi vấn đề, mọi việc thành hay bại là do cán bộ. Nếu nói công tác xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đường lối hay bao nhiêu, chủ trương chính sách đúng bao nhiêu, nhưng nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu, thậm chí làm sai lệch, thì cũng không thực hiện được…”
Sau Đại hội Đảng, việc đầu tiên là Trung ương tiến hành phân công, bố trí, sắp xếp lại cán bộ, tính cho cả trước mắt và lâu dài, hài hòa trên, dưới, cơ cấu vùng miền, nam, nữ, dân tộc…; bảo đảm cơ cấu, tiêu chuẩn, đúng quy trình, nguyên tắc. Tiếp sau công việc ấy thì tiến hành kiện toàn ngay nhân sự các cơ quan nhà nước. Thực tế vừa qua cho thấy đây là chủ trương đúng, tạo khí thế mới. Cán bộ là nhân tố quyết định, có ổn định thì mới làm việc được, trước hết xây dựng một Chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân, phục vụ nhân dân.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, trước sự quan tâm của cử tri về sự cố môi trường ở Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung, Tổng Bí thư cho biết: “…bao công sức dồn vào đây, có ý kiến cho rằng vụ này làm chậm, sao không nhanh, quyết liệt lên. Đây là đấu tranh, không chỉ là thương lượng, đấu tranh một cách có lý có tình, có thực tế, chứng cứ, buộc người sai phạm phải nhận lỗi, hứa khắc phục hậu quả, đền bù, thay đổi các dây chuyền, không tái phạm… Từ đây ra một loạt vụ môi trường khác, cho ta bài học không thu hút đầu tư bằng bất cứ giá nào, mà phải bảo vệ môi trường. Đây là bài học sâu sắc, đắt giá, học phí đắt giá… Các bác góp rất đúng, phải quan tâm vấn đề môi trường. Tại Kỳ họp vừa rồi, Quốc hội cũng nói nhiều đến vấn đề môi trường, rút ra bài học kinh nghiệm lớn là phải bảo vệ môi trường, phát triển nhanh nhưng phải bền vững, bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh hoạt làm việc, môi trường đầu tư kinh doanh…”
Về vấn đề bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, nhất là sau khi Tòa Trọng tài có phán quyết về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư khẳng định đường lối chiến lược không thay đổi là phải kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững bình yên để phát triển; phải tính toán lợi, hại vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tổng Bí thư cũng nhất trí với ý kiến của nhiều cử tri cho rằng, phải tiếp tục đổi mới hơn nữa hoạt động của Quốc hội, cả công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác đối ngoại.
Công tác xây dựng luật phải tốt hơn nữa, không để tình trạng như Bộ luật Hình sự vừa qua, xảy ra nhiều sai sót; phải nâng cao chất lượng công tác lập pháp, bảo đảm tính khả thi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng một xã hội kỷ cương. Hay công tác giám sát tối cao, phải có trọng tâm trọng điểm, làm sao cho hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh hơn nữa trong thực tế.
Ngay công tác tiếp xúc cử tri, cần tiếp tục đổi mới, không chỉ Quốc hội bàn việc nước, mà bây giờ toàn dân bàn việc nước... Muốn vậy phải nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.
Tại cuộc tiếp xúc, đa số cử tri bày tỏ vui mừng về kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, diễn ra sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, đây là thắng lợi của lòng dân ý Đảng. Cử tri mong muốn và tin tưởng, các đồng chí được tín nhiệm bầu vào các cương vị lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước sẽ thực hiện đầy đủ những lời tuyên thệ trước Quốc hội, trước nhân dân, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cử tri vui mừng nhận thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong thời gian vừa qua; mong muốn Tổng Bí thư tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cụ thể hơn nữa, nhất là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, không phụ lòng mong đợi của nhân dân.
Cử tri cũng nêu nhiều vấn đề còn băn khoăn trăn trở, đặc biệt là những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, những vụ việc đáng buồn liên quan đến công tác cán bộ, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, những vụ sai phạm trong quản lý kinh tế gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Công tác cán bộ mặc dù đã được chuẩn bị kỹ, nhưng còn sai sót như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường…
Cử tri đề nghị, phải làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan trong từng vụ việc, xử lý đến cùng không phân biệt đối tượng vi phạm là ai...
Cử tri cho rằng, sau 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nghèo, đời sống nhân dân đã được cải thiện nhưng còn khó khăn. Cử tri tin tưởng rằng, các vị đại biểu Quốc hội cũng như 90 triệu người dân Việt Nam, luôn mong muốn và làm hết sức mình vì quốc thái dân an./.