Tổng cục Hải quan: Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi

Trên tuyến hàng không, số vụ vi phạm bị bắt giữ tăng mạnh, mặt hàng vi phạm chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như ma túy, vũ khí, vàng,...
Lực lượng chức năng thu giữ hàng hóa nhập lậu. (Nguồn: TTXVN phát)

Ngày 3/2, Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 1/2021, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong những ngày cận Tết có chiều hướng giảm hơn so với năm 2020.

Tuy nhiên, tính chất các vụ việc rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn, số lượng hàng hóa vi phạm bị giữ nhiều hơn.

Theo Tổng cục Hải quan, trên tuyến hàng không, số vụ vi phạm bị bắt giữ tăng mạnh, mặt hàng vi phạm chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như ma túy, vũ khí, vàng, các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) như sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê; điện thoại; thuốc lá; rượu...

Cụ thể, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài (Cục Hải quan thành phố Hà Nội) đã phối hợp với Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1) - Cục Điều tra Chống buôn lậu, khám một lô hàng tại kho ACSV từ Madrid (Tây Ban Nha) về Việt Nam, hàng hóa khai báo là hàng hóa thông thường. Qua thực tế kiểm tra, phát hiện 166kg mai rùa đã sấy khô ngày 14/1.

Hay khám một lô hàng tại kho ALSC từ Nga trung chuyển qua Dubai về Việt Nam, hàng hóa là của cá nhân thuộc danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa vi phạm gồm 250 cây thuốc lá điện tử dạng điếu hiệu Marlboro (tương đương 2.500 điếu), chưa xác định được nước sản xuất vào ngày 15/1.

[Hà Nội xử lý gần 32.000 vụ việc về buôn lậu và gian lận thương mại]

Tính từ 16/12/2020 đến 15/01/2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 803 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 518 tỷ 839 triệu đồng. Số thu ngân sách đạt hơn 12 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố hai vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố năm vụ.

Với vai trò là cơ quan Thường trực công tác 389 của Bộ Tài chính, thời gian tới Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm soát toàn ngành đẩy mạnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để chủ động trong phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật hải quan; tăng cường nhân lực, năng lực cho bộ phận thu thập thông tin, giám sát qua các hệ thống điện tử của ngành, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng phương tiện trong việc giám trực tuyến trên ba cấp đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, cơ quan hải quan sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện như rượu ngoại, xăng dầu, phế liệu, đồ điện tử, một số thiết bị đã qua sử dụng, mặt hàng xơ sợi….; theo dõi, giám sát chặt các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan. Bên cạnh đó, đấu tranh ngăn chặn tình trạng xuất khẩu khống hàng hóa để được hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận xuất xứ hàng hóa để trốn thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục