Hà Nội xử lý gần 32.000 vụ việc về buôn lậu và gian lận thương mại

Năm vừa qua, lực lượng chức năng Hà Nội đã xử lý 31.987 vụ về hàng lậu, gian lận thương mại. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là gần 3.900 tỷ đồng.
Hà Nội xử lý gần 32.000 vụ việc về buôn lậu và gian lận thương mại ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 27/1, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, trong năm 2020, các lực lượng chức năng thành phố đã phát hiện, xử lý nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng cấm, hàng giả; góp phần ổn định thị trường, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 35.877 vụ; xử lý 31.987 vụ (tăng 2,37% so với năm 2019); khởi tố 84 vụ, 114 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu gần 3.900 tỷ đồng.

[Nhận diện các vấn đề nổi cộm, đánh đúng và trúng các đầu nậu buôn lậu]

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử...

Ông Quyền đề nghị các lực lượng triển khai các đợt cao điểm đấu tranh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu trên địa bàn, lĩnh vực được phân công xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố lưu ý các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.