Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định việc Liên minh châu Âu (EU) gia hạn Brexit thêm 6 tháng đã giúp tránh được "kết cục khủng khiếp" là Brexit không thỏa thuận, vốn sẽ làm gia tăng sức ép đối với nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm.
Tuy nhiên, theo bà Lagarde, điều đó không đồng nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ.
[Mega Story] Con đường Brexit: Những khúc quanh đầy bất trắc
Phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ), Tổng Giám đốc IMF cho biết: "Ít nhất thì Anh chưa rời EU mà không có thỏa thuận vào ngày 12/4."
Theo bà, quyết định trên đã tạo thêm thời gian để thảo luận giữa các đảng phái liên quan tại Anh, đồng thời tạo thêm thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho mọi khả năng, đặc biệt là các nhà công nghiệp và công nhân, để cố gắng đảm bảo tương lai của họ.
Bà nói thêm "(kịch bản) Brexit không thỏa thuận là một kết cục khủng khiếp," song cũng cho rằng thỏa thuận gia hạn không giúp giải quyết các vấn đề giữa Anh và EU.
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney nhận định tình trạng bất trắc do Brexit mà giới doanh nhân Anh phải đối mặt đã gây ra phản ứng tức giận, hủy hoại đầu tư, và đặt ra các thách thức dài hạn cho hoạt động sản xuất.
Ông cảnh báo dù nguy cơ Brexit không thỏa thuận đã được giảm nhẹ, nhưng vẫn cần chờ xem thời gian gia hạn sẽ được sử dụng như thế nào.
Trước đó, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý với Thủ tướng Anh Theresa May hoãn Brexit tới ngày 31/10, nhằm tránh một cuộc "ly hôn" hỗn loạn do không có thỏa thuận giữa EU với Anh./.