Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,39%

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 đạt 1.372.272 tỷ đồng (theo giá hiện hành), còn tính theo giá so sánh 2010 đạt 991.424 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cùng kỳ.
Bốc xếp hàng hoá tại cảng Cát Lái ,Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Bốc xếp hàng hoá tại cảng Cát Lái ,Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chiều 29/12, tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội năm 2020 do Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, điểm nổi bật trong kết quả điều hành kinh tế-xã hội năm 2020 của thành phố là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện và lĩnh vực thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ.

Cùng với đó, chính sách, giải pháp được triển khai để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54/2019/QH14 ngày 24/11/2018, đã tạo động lực cho thành phố phát triển nhanh hơn nữa.

Theo bà Phan Thị Thắng, tình hình kinh tế xã hội thành phố năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và những mâu thuẫn chính trị giữa các quốc gia càng làm tổn thương hệ thống thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả kinh tế-xã hội tích cực trong năm 2020.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2020 đạt 1.372.272 tỷ đồng (theo giá hiện hành), còn tính theo giá so sánh 2010 đạt 991.424 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cùng kỳ.

Trong mức tăng trưởng chung 1,39% của kinh tế thành phố, khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,06% và đóng góp 0,01 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,43% và đóng góp 0,11 điểm phần trăm; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,17% và đóng góp 1,33 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,51%.

Giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 56,7% trong GRDP và chiếm 90,9% trong khu vực dịch vụ; trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp (15,7%), vận tải kho bãi (9,6%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (5,2%), tài chính ngân hàng (8,7%).

Đây cũng là những ngành là chủ đạo chiếm 39,2% trong GRDP, chiếm 62,9% nội bộ khu vực dịch vụ.

Trong thời gian chống dịch, đa dạng mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhập, hội họp trực tuyến được người tiêu dùng và doanh nghiệp áp dụng đã đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Thống kê của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng thành phố (kể cả dầu thô) năm 2020 đạt 40.211,9 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố Hồ Chí Minh có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17,8 tỷ USD.

[Những kỳ vọng đột phá từ mô hình 'thành phố trong thành phố']

Tiếp theo là nhóm hàng hóa khác đạt 6,9 tỷ USD; dệt may đạt 4,3 tỷ USD; giày dép đạt 2,2 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng thành phố vẫn là Trung Quốc (đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 26,2% tỷ trọng xuất khẩu, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước), Hoa Kỳ (đạt 6,7 tỷ USD, chiếm 16,7%, giảm 0,2%), Nhật Bản (đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 7%, giảm 16% so với cùng kỳ)...

Về lĩnh vực nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố nhập qua cảng thành phố ước đạt 43.366,3 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố Hồ Chí Minh có 8 nhóm hàng nhập khẩu trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 86,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,5 tỷ USD (chiếm 38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước).

Tiếp theo là nhóm hàng hóa khác đạt 9,5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 4,7 tỷ USD; vải các loại đạt 1,7 tỷ USD; các nhóm hàng còn lại là chất dẻo, sắt thép, sản phẩm hóa chất và điện thoại các loại.

Cán cân thương mại hàng hóa tính chung năm 2020 tiếp tục nhập siêu 3,15 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,56 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 4,41 tỷ USD.

Báo cáo với Ủy ban Nhân dân và sở, ngành thành phố, ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính đạt 1.224.705 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 759.714 tỷ đồng (chiếm 62% tổng mức và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 77.111 tỷ đồng (chiếm 6,3% tổng mức và giảm 33,8%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 7.401 tỷ đồng (chiếm 0,6% và giảm đến 76,7%); doanh thu dịch vụ khác đạt 380.479 tỷ đồng (chiếm 31% và giảm 8%).

Ở lĩnh vực vận tải hành khách năm 2020 ước tính đạt 502.855 lượt khách, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020 đạt 1,3 triệu lượt người, giảm 84,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn khách du lịch nội địa đến thành phố đạt 15 triệu lượt người, giảm 54,2% so với cùng kỳ năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.