Tổng thống Hàn Quốc hối thúc cải cách thị trường lao động

Tổng thống Park hối thúc giải quyết các vấn đề như tính hai mặt trong thị trường lao động, cụ thể là sự khác biệt mức lương và sự bảo đảm việc làm giữa những người lao động ngắn và dài hạn.
Tổng thống Hàn Quốc hối thúc cải cách thị trường lao động ảnh 1Công nhân làm việc trong một nhà máy của Samsung. (Ảnh minh họa. Nguồn: scmp.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 6/8 cam kết thúc đẩy cải cách thị trường lao động và các lĩnh vực khác như là một phần trong nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ.

Phát biểu trên truyền hình toàn quốc, Tổng thống Park hối thúc mọi người cùng giải quyết các vấn đề như tính hai mặt trong thị trường lao động, cụ thể là sự khác biệt giữa mức lương và sự bảo đảm việc làm giữa những người lao động được tuyển dụng dài hạn và ngắn hạn.

Hiện đang có tình trạng một số công ty Hàn Quốc không muốn tuyển dụng người lao động làm việc lâu dài mà chủ yếu dựa vào số nhân công được thuê ngắn hạn để họ có thể dễ dàng cho nghỉ việc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng tình trạng trên đã góp phần gia tăng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại Hàn Quốc.

Theo số liệu chính thức công bố gần đây, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15-29 trong tháng Sáu vừa qua là 10,2%; trong khi tỷ lệ người thất nghiệp nói chung cùng thời gian chỉ là 3,9%.

Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc cam kết nỗ lực đảm bảo tất cả các công ty nhà nước sẽ áp dụng hệ thống mức lương trần đối với người lao động ngay trong năm nay, đánh giá động thái này có thể tạo thêm khoảng 8.000 việc làm cho thanh niên.

Hệ thống trên được xây dựng để đảm bảo việc làm cho những người đang làm việc sắp đến tuổi nghỉ hưu thông qua từng bước cắt giảm mức lương sau mỗi độ tuổi nhất định và số tiền tiết kiệm được có thể được sử dụng để thuê thêm thanh niên.

Cũng trong ngày 6/8, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn tin Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) đánh giá nền kinh tế này đang dần thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc bùng phát Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS), nhưng tốc độ phục hồi còn chậm.

Theo KDI, các chỉ số đầu tư đang dần cải thiện và mức tiêu thụ trong lĩnh vực tư nhân có những dấu hiệu phục hồi vừa phải.

Về lĩnh vực bán lẻ vốn chịu ảnh hưởng chủ yếu của MERS, KDI cho rằng tiêu thụ cá nhân đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi trong tháng Sáu, đồng thời ghi nhận doanh số của các thương xá và chuỗi cửa hàng hạ giá lớn đã tăng đáng kể trong tháng trước.

Tuy nhiên, KDI cảnh báo về tình trạng xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục giảm đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung.

Trong tháng Bảy, xuất khẩu giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng xuất khẩu đến hầu hết các thị trường nước ngoài trừ Mỹ đều giảm.

Viện nghiên cứu trên dẫn kết quả khảo sát một số cơ quan dự báo của Hàn Quốc cho biết hầu hết đều cho rằng nền kinh tế này sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 3,1% mà chính phủ đã dự báo trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.