Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc

Nhà Trắng khẳng định việc tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm Trung Quốc là điều cần thiết cho an ninh quốc gia bởi lĩnh vực sản xuất thép là "xương sống" của nền kinh tế Mỹ.

Thép được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thép được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein ngày 17/4 cho biết mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là điều cần thiết cho an ninh quốc gia Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein nói với CNBC: “Nếu không hành động, chúng tôi sẽ đặt một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của mình vào nguy hiểm. Lĩnh vực sản xuất thép là lĩnh vực được Tổng thống Biden gọi là ‘xương sống’ của nền kinh tế Mỹ, nền tảng của an ninh quốc gia.”

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc, với lý do "cạnh tranh không công bằng."

Lời kêu gọi của ông Biden được đưa ra khi Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo họ đang tiến hành cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và kho vận (logistics) để đáp lại kiến nghị gần đây của 5 công đoàn Mỹ.

Mức thuế trung bình hiện nay đối với một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của Trung Quốc là 7,5% theo mục 301.

Ông Bernstein cho biết việc tăng thuế như vậy sẽ không có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Ông nói: “Đây là một sự can thiệp có mục tiêu và không có nhiều tác động đến tình hình lạm phát của Mỹ.”

Nhà Trắng giải thích các chính sách và khoản trợ cấp của Trung Quốc cho ngành thép và nhôm trong nước của họ đang ảnh hưởng đến những sản phẩm chất lượng cao của Mỹ. Họ nói các các sản phẩm của Trung Quốc được sản xuất với lượng khí thải cao hơn và có giá "rẻ một cách bất thường"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.