TP. HCM phát huy vai trò đầu mối mua chung trong khu dân cư

Tổ trưởng và lực lượng tình nguyện viên sẽ gom đơn hàng của người dân đăng ký theo combo và quy trình được thiết kế sẵn, chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hàng bình ổn thị trường...
TP. HCM phát huy vai trò đầu mối mua chung trong khu dân cư ảnh 1Giúp dân đi chợ mua thực phẩm trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong thời gian gần đây, khi người dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” thì lực lượng cơ sở tại nhiều địa phương quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã phát huy vai trò cán bộ cơ sở trên địa bàn dân cư trong hoạt động "đi chợ hộ."

Những đơn vị này không những tổ chức hoạt động "đi chợ hộ" mà còn triển khai đa dạng chương trình cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí cho người dân trên địa bàn dân cư.

Ngày càng nhiều group cộng đồng dân cư được thành lập kịp thời nhằm phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trong hỗ trợ người dân trên đại bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, những cộng đồng này đã từng bước tạo cầu nối chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương nên vừa đảm bảo việc phòng chống dịch COVID-19 vừa góp phần từng bước ổn định đời sống của người dân, yên tâm thực hiện giãn cách xã hội.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, chị Phạm Quyên, trú tại phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thực hiện giãn cách xã hội nên chị chủ yếu làm việc ở nhà và tham gia vào lực lượng tình nguyện viên của phường hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, đối với hoạt động "đi chợ hộ," tại địa phương tổ chức cung cứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu... cho người dân thông qua phối hợp với kênh bán lẻ hiện hữu trên địa bàn khu dân cư và tìm kiếm đầu mối mua chung ở nhiều nơi khác.

Đối với kênh bán lẻ trên địa bàn khu dân cư, tổ trưởng và lực lượng tình nguyện viên sẽ gom đơn hàng của người dân đăng ký theo combo và quy trình được thiết kế sẵn, chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hàng bình ổn thị trường... Tiếp theo, tổ trưởng gửi đơn hàng về phường và chuyển đến hệ thống siêu thị, cửa hàng soạn đơn hàng cho người dân. Sau cùng, nhân viên siêu thị, cửa hàng phối hợp cùng lực lượng quân đội, cán bộ phường, tình nguyện viên địa phương giao đơn hàng đến tận nơi cho hộ dân trên địa bàn khu dân cư.

Đối với việc tìm đầu mối mua chung, lực lượng tình nguyện viên thông qua mối quan hệ cá nhân hay được giới thiệu sẽ liên hệ với hợp tác xã, bà con nông dân ở nhiều tỉnh, thành để nắm bắt về số lượng, chất lượng và nguồn cung hàng hóa; hỗ trợ giới thiệu những mặt hàng nông sản, thực phẩm cần hỗ trợ đầu ra hay được bán với giá tốt, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn khu dân cư đăng ký mua sắm, tiêu dùng.

Theo chị Phạm Quyên, trong bối cảnh dịch COVID-19, người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh rất cần nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là rau củ, quả, thủy hải sản..., nhưng giá cả và chất lượng phải phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đang phải thắt chặt chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình do thu nhập bị giảm sút nên tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có giá tốt luôn là ưu tiên hàng đầu của lực lượng tham gia "đi chợ hộ" cho dân.

[Đi chợ hộ giúp dân: Mô hình thiết thực trong dịp giãn cách xã hội]

Chị Hoài Nghi, trú tại chung cư Green Field 686, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong thời gian gần đây chị đã cùng một số cá nhân, tổ chức khác tổ chức hàng chục chuyến hàng mua chung cho cư dân và hỗ trợ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, chuyến hàng ý nghĩa nhất có lẽ là chuyến hàng vận chuyển rau củ, quả từ tỉnh Lâm Đồng về Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, Ban quản trị và Ban quản lý chung cư Green Field 686.

Điều đặc biệt hơn nữa, là chuyến hàng hơn 4 tấn này do chính cộng đồng cư dân chung cư Green Field 686 tài trợ; trong đó có 2 tấn phục vụ cộng đồng cư dân và 2 tấn còn lại được chuyển đến những địa điểm cần hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, những chuyến hàng mua chung khác phục vụ cho cộng đồng cư dân chung cư Green Field 686 cũng không nằm ngoài mục tiêu vừa mua phục vụ nhu cầu thiết yếu, vừa tạo đầu ra cho nông sản, thực phẩm của người dân ở nhiều tỉnh, thành đang bị ùn ứ do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

TP. HCM phát huy vai trò đầu mối mua chung trong khu dân cư ảnh 2Tập kết nông sản lên xe chở hàng. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Chị Hoài Nghi cho rằng việc tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp và vận chuyển về tận nơi cho cư dân trong giai đoạn giãn cách xã hội không phải là điều dễ dàng, nhưng đây là hoạt động có lợi cho nông dân ở các tỉnh, thành và người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình, qua những chuyến hàng đã đến với cư dân thành công có thể thấy đôi khi một số hàng hóa bị hao hụt, hư hỏng hoặc không đạt chất lượng như cam kết ban đầu nên hoạt động tổ chức mua chung cũng gặp nhiều rủi ro.

Tuy vậy, để thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó," hầu hết cư dân tham gia hoạt động mua chung đều chủ động chia sẻ các rủi ro và hỗ trợ khâu phân chia hàng hóa đến cư dân, đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Hơn thế nữa, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho nông dân các tỉnh, thành và tạo nguồn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hỗ trợ những người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là vô cùng thiết thực.

Ghi nhận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chung tay cùng chính quyền địa phương, tại nhiều địa bàn dân cư đã tạo được làn sóng lan tỏa đến nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phối hợp với lực lượng chức năng trong việc hỗ trợ chăm lo đời sống cho người dân địa phương. Với đa dạng mô hình và hình thức triển khai, không ít địa bàn dân cư, người dân đã an tâm ổn định đời sống và đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho gia đình.

Ở góc độ người dân, bà Mai Thanh, trú tại quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay khi nhận được giỏ hàng hóa từ nhóm cộng đồng tổ chức mua chung rất xúc động, bởi những ngày đầu giãn cách xã hội không mua được lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... do trên địa bàn khu dân cư có khá ít siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Trong khi đó, số lượng hộ dân trên địa bàn khu dân cư lại đông nên lực lượng chức năng bị quá tải và lúng túng trong hoạt động "đi chợ hộ" cho người dân, dẫn đến một số hộ dân gặp khó khăn trong đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho gia đình, nhất là những hộ dân có người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Tương tự, một số người dân khác cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, việc tìm kiếm được đầu mối mua chung, nhất là hỗ trợ bà con nông dân ở nhiều tỉnh, thành có đầu ra cho nông sản, thực phẩm là việc làm cấp thiết nên sẽ nhận được sự hưởng ứng của người dân. Bên cạnh đó, hiện nay ở nhiều địa điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang rất cần sự chung tay và đồng lòng của cộng đồng xã hội góp sức đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19, cũng nhu an dân.

Dựa trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, Thành phố Hồ Chí Minh cần đảm bảo cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn thành phố là 10.964 tấn/ngày.

Đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trên cơ sở rà soát, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp với Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Điển hình, tổ chức cấp phát các túi an sinh miễn phí cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.