Ngày 3/6, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo cấm các loại xe chạy vào phần đường hỗn hợp Phạm Văn Đồng trên nhiều phân đoạn để sửa chữa.
Cụ thể, từ 4-6/6, cấm các loại xe lưu thông vào phần đường hỗn hợp Phạm Văn Đồng (hướng từ đường Phan Văn Trị đến đường Nguyễn Xí); từ 7-9/6, cấm các loại xe lưu thông vào phần đường hỗn hợp Phạm Văn Đồng (hướng từ đường số 19 đến nút giao chùa Ưu Đàm).
Trong thời gian cấm nói trên, các loại xe hai bánh lưu thông vào hai làn trên phần đường chính ôtô Phạm Văn Đồng (hai làn sát dải phân cách giữa phần đường chính ôtô và phần đường hỗn hợp).
Riêng từ 14-17/6 đường Phạm Văn Đồng (hướng từ nút giao Linh Đông đến đường Tô Ngọc Vân) tạm thời bị chiếm dụng một phần mặt đường để thi công sửa chữa vết nứt mặt đường bêtông nhựa trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, nên các phương tiện hạn chế lưu thông qua khu vực rào chắn thi công.
Đường Phạm Văn Đồng (trước đây là tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài) do Công ty GS E&C Hàn Quốc làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 340 triệu USD. Tuyến đường này thuộc đường vành đai số 1, đi qua địa bàn quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tổng chiều dài 13,6km, chiều rộng toàn tuyến từ 30-60m, gồm 12 làn xe. Điểm đầu từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và điểm cuối kết nối tại nút giao Linh Xuân (quận Thủ Đức).
Đường Phạm Văn Đồng là trục đường đô thị hướng tâm quan trọng và được mệnh danh đẹp nhất cho đến thời điểm hiện tại của Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1K; tạo hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Sau khi đưa vào hoạt động, tuyến đường đã xuất hiện một số vết nứt trên mặt đường, nhiều đoạn kè ta luy khu vực quận Thủ Đức cũng bị sạt lở hư hỏng. Hiện nay, đoạn còn lại của đường Phạm Văn Đồng kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất là đường Bạch Đằng, Hồng Hà (quận Tân Bình) đang được tiến hành nâng cấp và mở rộng.
Theo phản ánh của nhiều người dân, cao độ mặt đường thấp hơn nhà dân hơn 1m, khiến nhiều người phải bắc thang ngắn để có thể vào được nhà./.