Ngày 11/10, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, nhằm giới thiệu và kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt có vai trò đầu tàu trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã xác định thành phố sẽ phát triển theo hướng bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư gắn liền với bảo vệ môi trường.
[Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 2,15 tỷ USD vốn FDI trong 6 tháng]
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội địa bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 8,5%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp.
Đến năm 2020, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm từ 56-58% GRDP; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP; thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 9.800 USD/người/năm.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, để thực hiện các mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao.
Về giao thông, thành phố chú trọng phát triển các trục đường vành đai và đường hướng tâm, đường trên cao, đường sắt đô thị. Song song đó, thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào các dự án chống ngập và vệ sinh môi trường, văn hóa, y tế, giáo dục...
Cụ thể, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào 133 dự án, trong đó, 73 dự án hạ tầng giao thông, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 11 dự án giáo dục, 7 dự án giảm ngập nước...
Trong đó, các dự án đặc biệt đang được thành phố ưu tiên chiến lược trong kêu gọi đầu tư hiện nay gồm tuyến metro số 1 (Suối Tiên-Bến Thành), metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương); Khu công viên khoa học rộng 100 ha tại quận 9; Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) gồm khách sạn nghỉ dưỡng, trường học tiêu chuẩn quốc tế và nhà hát nghệ thuật tổng hợp...
Ngoài ra, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn tích cực kêu gọi đầu tư vào các ngành điện-điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, thiết bị y tế, hóa dược, lương thực thực phẩm...
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đóng góp 21% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và 30% tổng số dự án FDI vào Việt Nam.
Để thu hút đầu tư trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thiểu các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thành phố sẵn sàng các nguồn lực về lao động, quỹ đất... để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Tina Phan, Giám đốc Khu vực Đông Dương, Cục Xúc tiến mậu dịch Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố phát triển năng động và là địa điểm đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Các nhà đầu tư Hong Kong quan tâm đặc biệt tới các dự án phát triển hạ tầng giao thông và xử lý nước thải tại đây.
Theo bà Tina Phan, để thu hút đầu tư hiệu quả, Thành phố Hồ Chí Minh cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tích cực chia sẻ thông tin các dự án tới nhà đầu tư. Khi đó, sự tham gia của các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính lớn mạnh vào các dự án mang tính chiến lược sẽ thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới./.