TP.HCM xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch

Bộ Tiêu chí gồm 22 tiêu chí hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; phương pháp đánh giá, xếp loại mức độ an toàn cơ quan, đơn vị.
TP.HCM xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch ảnh 1Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức trao tặng quà cho người lao động đang ở trọ gặp khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình Ủy ban Nhân dân thành phố về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn.

Bộ Tiêu chí đưa ra tiêu chí hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; phương pháp đánh giá, xếp loại mức độ an toàn cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, sẽ có 22 tiêu chí đánh giá, xếp loại gồm: tiêu chí Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, các Tổ an toàn COVID của đơn vị; kế hoạch và phương án phòng, chống dịch; tổ chức thông tin, tuyên truyền; sử dụng ứng dụng nền tảng khai báo y tế; tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu khách đến làm việc khai báo y tế; xây dựng kế hoạch, phương thức làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đảm bảo tiêu chí khử khuẩn và vệ sinh môi trường; kiểm soát dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị; tỷ lệ tiêm vaccine; bố trí công việc phù hợp; khu vực để xe đảm bảo tiêu chí an toàn; bố trí phòng, khu vực cách ly tạm thời…

Dựa vào các tiêu chí này, các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn thành phố sẽ hoàn thiện, củng cố các biện pháp phòng, chống dịch cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong việc chung tay phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa trình Ủy ban Nhân dân thành phố về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị Nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, thành phố dự kiến thí điểm việc thay đổi phương thức làm việc trong 4 giai đoạn.

Giai đoạn từ nay đến hết ngày 30/9/2021, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 làm việc trực tiếp tại trụ sở, cơ quan, đơn vị và thực hiện nghiêm Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại trụ sở, “1 cung đường 2 điểm đến” tại địa điểm lưu trú tập trung.

[TP.HCM: Trạm y tế lưu động cần đánh giá, phân loại tốt F0 tại nhà ]

Về số lượng bố trí, các cơ quan, đơn vị Nhà nước bố trí tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc; bố trí trực bảo vệ, trực phòng cháy chữa cháy, xử lý các công việc đột xuất khác đối với các đơn vị đang tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID-19. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn lại sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, không để công việc đình trệ, gián đoạn.

Kết quả hoàn thành tiến độ và chất lượng công việc được phân công tại nhà là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các quý năm 2021.

Đáng chú ý, đối với cơ quan, đơn vị có trụ sở tại quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, Khu Công nghệ cao (đang thực hiện nới lỏng giãn cách), ngoài thực hiện các nội dung nêu trên, cần chủ động mở rộng lĩnh vực, số lượng thủ tục hành chính, hình thức tiếp nhận, xử lý và trả kết quả; các cá nhân, đại diện tổ chức đến trực tiếp trụ sở yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính phải được tiêm 2 mũi vaccine.

Đối với giai đoạn từ ngày 1/10 đến 31/10/2021, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước tiếp tục bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đủ tiêm 2 mũi vaccine làm việc trực tiếp tại trụ sở, bố trí tối đa 1/3 số lượng, 2/3 còn lại làm việc tại nhà sử dụng công nghệ thông tin.

Giai đoạn từ ngày 1/11/2021-15/1/2022, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được cấp Thẻ xanh COVID làm việc trực tiếp tại trụ sở, bố trí tối đa 1/2 lực lượng. Giai đoạn sau ngày 15/1/2022, bố trí toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở đã được cấp thẻ xanh COVID, thẻ vàng COVID.

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, tính đến 6 giờ ngày 17/9, thành phố có 321.358 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 161.007 bệnh nhân đã xuất viện.

Tính đến ngày 15/9, thành phố đã tiêm được tổng cộng 8.563.254 mũi vaccine, trong đó có 6.692.795 mũi 1 và 1.870.459 mũi 2.

Đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 3 địa phương công bố kiểm soát được dịch gồm huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, quận 7.

TP.HCM xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch ảnh 2Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 8, quận 11 chuyển thuốc cấp phát cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Từ ngày 16/9, thành phố thí điểm mở lại hoạt động có kiểm soát tại 3 địa bàn này. Do nhiều địa phương chưa kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế nên Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết tháng 9/2021, thay vì mục tiêu đề ra đến ngày 15/9.

Sau tháng 9/2021, thành phố sẽ thực hiện lộ trình 3 giai đoạn phục hồi kinh tế, trong đó giai đoạn 1 từ ngày 1/10/2021 đến 31/10/2021, giai đoạn 2 từ ngày 1/11/2021 đến 15/1/2022, giai đoạn 3 sau ngày 15/1/2022.

Tất cả các giai đoạn được triển khai tùy thuộc vào tình hình cụ thể của dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu, thành phố từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai thí điểm Thẻ xanh COVID, Thẻ vàng COVID, thí điểm ưu tiên mở cửa một số lĩnh vực theo lộ trình tại “vùng xanh” gồm quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục