TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố cho 5 công trình kiến trúc

5 công trình kiến trúc gồm Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản và Lăng Võ Tánh.
TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố cho 5 công trình kiến trúc ảnh 1Một góc Trường Phổ thông Trung học chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 31/12, tại Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao bằng xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố năm 2019 cho 5 công trình kiến trúc gồm Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản và Lăng Võ Tánh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, cùng Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Thanh Liêm đến dự và trao bằng xếp hạng di tích cho các đơn vị đang trông coi, giữ gìn các công trình này.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh Luật Di sản văn hóa khẳng định "Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta."

Di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành trong suốt quá trình khai phá, xây dựng và phát triển của vùng đất Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam, là tài sản vô giá của quốc gia, là bản sắc văn hóa, là nguồn lực của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.

"Qua các di tích, chúng ta có thể nhận ra trình độ phát triển trong quá khứ, tìm thấy những giá trị lịch sử, văn hóa vật chất và tinh thần hàng trăm năm, ngàn năm chưa phai nhạt, di tích còn là minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc," ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Theo ông Lê Thanh Liêm, năm 2020 với chủ đề Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đến công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn thành phố.

TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố cho 5 công trình kiến trúc ảnh 2Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Lê Thanh Liêm trao Bằng xếp hạng Di tích cấp thành phố cho Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (Quận 2). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Giá trị to lớn của di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia nói chung, cấp thành phố nói riêng luôn được các cấp, các ngành và người dân thành phố quan tâm lưu giữ, bảo vệ và phát huy trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Vinh dự đón nhận bằng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, đại diện các đơn vị quản lý di tích cam kết sẽ tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ để giữ gìn, bảo tồn và phát huy thật tốt giá trị của di tích lịch sử-văn hóa này.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cả 5 công trình này tuy được xây dựng trong nhiều thời điểm khác nhau, mang phong cách kiến trúc theo từng thập niên nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo hài hòa trong tổng thể kiến trúc, gìn giữ được những nét cổ kính, thanh lịch vốn có của công trình; góp phần bảo tồn sự phong phú di sản kiến trúc cổ đô thị tại Thành phố.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thờ Thủ Thiêm (tọa lạc tại số 58 Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2), được khởi công xây dựng và khánh thành năm 1865 bắt đầu từ ngôi Thánh đường.

Khoảng năm 1885, trong khuôn viên nhà thờ xây dựng thêm khối Nhà xứ; năm 1930 xây dựng tháp chuông; năm 1953 khởi công trùng tu ngôi Thánh đường và công trình được Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền làm lễ khánh thành vào năm 1956.

Tọa lạc cùng khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, di tích kiến trúc nghệ thuật Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (số nhà 76) được thành lập trong giai đoạn (1840-1848) và bà Maria Phước là bà Nhất tiên khởi của nhà dòng.

Từ năm 1859 - 1874, Hội dòng xây dựng hai ngôi nhà có gác để các nữ tu đến cầu nguyện; năm 1927 xây dựng khối nhà Tập; năm 1933 xây dựng khối nhà Khấn; năm 1956 xây dựng Nhà nguyện.

Tương tự, Di tích kiến trúc nghệ thuật Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (tọa lạc tại khu trung tâm Quận 1, giáp với ba mặt đường: số 135 Hai Bà Trưng, 20 Lý Tự Trọng và cổng Nguyễn Du), được cải tạo từ dinh thự cũ của Thống đốc Nam kỳ vào năm 1874.

Năm 1975, trường chuyển thành trường Trung học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học.

Tháng 3/2000, Trường Trung học Phổ thông Trần Đại Nghĩa được thành lập trên cơ sở tiếp nhận cơ sở vật chất của ngôi trường này; từ năm 2002, trường chính thức đổi tên thành Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản (tọa lạc tại số 11 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1) được thành lập từ năm 1975, trên cơ sở trường chủng viện (tức Đại chủng viện Thánh Giuse) và trường học mang tên d’Adran (tức Pigneau de Béhain - Bá Đa Lộc).

Nhiều người không rõ trường xây dựng năm nào nhưng năm 1860, khi đô đốc Rigault de Genouilly chiếm Sài Gòn đã thấy trường này.

Niên học 1955-1956, Trường nam trung học Võ Trường Toản được thành lập với ba lớp đệ thất (sau đổi là lớp 6); năm 1956 mang tên là Trường trung học Võ Trường Toản; năm 1960 được phép mở hai lớp Đệ nhất (sau đổi là lớp 12) và năm 1961 được công nhận là trường Trung học đệ nhị cấp tại Sài Gòn.

Được trao bằng di tích kiến trúc nghệ thuật dịp này còn có Lăng Võ Tánh (tọa lạc tại số 19, đường Hồ Văn Huê, Phường 9, quận Phú Nhuận) bao gồm phần đền thờ và mộ, mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam bộ như: bình phong tiền, tường bao, bệ thờ, mộ, bình phong hậu, trụ cột hình chữ kim...

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố, nhân vật lịch sử Võ Tánh (không rõ năm sinh - mất năm 1801), quê gốc ở huyện Phước An, trấn Biên Hòa là người tinh thông võ nghệ, binh thư.

Từ năm 1784-1788, ông xây dựng lực lượng mở rộng ra cả vùng Gò Công (Tiền Giang ngày nay); năm 1788, ông nhận lời, đem quân phò tá Nguyễn Ánh; năm 1799, ông trấn thủ thành Bình Định (Quy Nhơn ngày nay) và bị quân Tây Sơn vây suốt gần 2 năm.

Cuối cùng ông đã gửi thư cho Trần Quang Diệu xin không giết hại binh sĩ trong thành, riêng bản thân ông tuẫn tiết trên lầu Bát giác hỏa thiêu.

Võ Tánh được vua Gia Long truy tặng tước Quốc Công sai người thu liệm hài cốt về chôn cất tại Phú Nhuận, Gia Định; sau đó, vua Minh Mạng truy phong ông tước Hoài Quốc Công.

Tính đến tháng 11/2019, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 172 di tích được xếp hạng. Trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (là di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (gồm 2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 114 di tích cấp thành phố (gồm 66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích-lịch sử) và 100 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục