Trà Vinh tạo bước phát triển về du lịch từ những chính sách 'mềm'

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết nhờ những động thái tích cực cùng chính sách ưu đãi đã tạo cho du lịch Trà Vinh có bước phát triển mới.
Trà Vinh tạo bước phát triển về du lịch từ những chính sách 'mềm' ảnh 1Du khách vui đùa và tắm biển ở bãi tắm thuộc Khu du lịch biển Ba Động. (Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam)

Năm 2019, ngành du lịch Trà Vinh đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong 9 tháng qua, Trà Vinh đã đón hơn 765.400 lượt khách du lịch; trong đó, khách quốc tế trên 27.300 lượt người, tăng 66,46% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng thu du lịch từ đầu năm đến nay của tỉnh đạt 279,8 tỷ đồng, tăng hơn 107,240 tỷ đồng so năm trước. Đây là thành quả từ những chính sách “mềm,” kịp thời tạo bước phát triển về du lịch của Trà Vinh.

Phong phú, đa dạng về tiềm năng

Nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá Trà Vinh là tỉnh ven biển nên có nhiều điều kiện để khai thác du lịch.

Ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, cùng những thắng cảnh nổi tiếng, như Biển Ba Động, Ao Bà Om, Trà Vinh còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa và những cảnh quan sông nước miệt vườn.

Hiện Trà Vinh có 10 di tích lịch sử, kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 1 bảo vật quốc gia, cùng với 142 ngôi chùa Khmer với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo.

Đây là những điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước có sở thích tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng.

Thị xã Duyên Hải có bãi biển Ba Động, địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.

[Tỉnh Trà Vinh hỗ trợ, khuyến khích người dân làm du lịch]

Nơi đây, hiện còn nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc nuôi dưỡng; có hệ động thực vật đa dạng, gồm các loài: đước, mắm, bần, vẹt, dừa nước, tôm, cua, nghêu, sò huyết, kỳ đà, lợn rừng, rắn, chồn...

Mỏ nước khoáng nóng ở nơi đây chạy dài từ ấp Cồn Ông, xã Dân Thành đến khóm Long Thạnh, phường 1, được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước xét và phê duyệt ở cấp B (240 m3/ngày đêm), với nhiệt nóng 37,5 độ, rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng.

Bên cạnh đó, thị xã Duyên Hải còn có các công trình trọng điểm quốc gia đã và đang được xây dựng, như: Trung tâm Điện lực Duyên Hải, luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Khu kinh tế Định An...

Huyện Cầu Kè, một địa phương nằm ven sông Hậu, hàng năm đều diễn ra Lễ hội Vu lan được tổ chức với quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động như văn hóa, nghệ thuật; hội chợ thương mại-nông nghiệp, giới thiệu đặc sản làng nghề truyền thống, trưng bày và bán các loại trái cây đặc sản gồm măng cụt, dừa sáp, bưởi da xanh, cam xoàn…

Đến huyện Cầu Kè, ngoài những vườn cây ăn trái xum xuê quanh năm, du khách còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc: nhà cổ Huỳnh Kỳ, nhà cổ Chủ Lý; điểm tín ngưỡng Vạn niên Phong Cung, Minh Đức Cung; khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Út…

Đặc biệt, Minh Đức Cung còn gọi là chùa Ông Bổn, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nơi đây hàng năm đón hàng chục ngàn lượt du khách trong, ngoài nước về chiêm bái.

Tuy giàu tiềm năng, nhưng nhiều năm qua, ngành du lịch Trà Vinh chưa có bước đột phá, thiếu sức hút đối với du khách.

Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến với Trà Vinh có hơn 640.000 lượt người, nhưng số lượng khách lưu trú chỉ đạt hơn 50% và số ngày lưu trú bình quân đạt 1,5 ngày/người.

Nguyên nhân sức thu hút du lịch của tỉnh thiếu mạnh mẽ là do nhiều năm qua, du lịch Trà Vinh chưa có sự đầu tư tương xứng; cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn còn yếu kém; công tác quảng bá hạn chế; đội ngũ làm công tác du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp; số lượng nhà hàng, khách sạn, các điểm dịch vụ bán quà lưu niệm vừa thiếu, vừa không đủ chuẩn để làm hài lòng du khách, nhất là đối với khách nước ngoài.

Ông Phan Đình Huệ, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, khi tham quan, khảo sát về tiềm năng du lịch Trà Vinh đã khẳng định, đây là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch độc đáo mà nhiều nơi khác không có.

Điều Trà Vinh cần hiện nay là một chính sách, sự mạnh dạn đầu tư về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch để mời gọi các nhà đầu tư tìm đến nhằm liên kết phát triển.

Phát triển du lịch từ cơ chế, chính sách

Trà Vinh tạo bước phát triển về du lịch từ những chính sách 'mềm' ảnh 2Khu du lịch sinh thái cù lao Long Trị. (Nguồn: Dulichtravinh.com.vn)

Xác định lợi thế về tiềm năng, Trà Vinh đã đề ra kế hoạch phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Mục tiêu tỉnh hướng đến là tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu đảm bảo khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô cấp vùng và cấp quốc gia.

Đến năm 2025, tỉnh sẽ đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 85.000 khách quốc tế; tổng doanh thu từ năm 2025 trở đi đạt trên 1.600 tỷ đồng.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh đã triển khai các giải pháp để phát triển du lịch như tập trung xây dựng quy hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư; đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch.

Trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đầu tư xây dựng quần thể Khu di tích văn hóa Ao Bà Om trở thành điểm du lịch cấp Quốc gia; xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án du lịch, như Khu du lịch sinh thái rừng đước Nông trường Tỉnh đội, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, Khu du lịch khoáng nóng Duyên Hải.

Trà Vinh cũng xác định huyện Cầu Kè và huyện Trà Cú cùng với thị xã Duyên Hải là một trong ba trung tâm du lịch của tỉnh về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch biển, du lịch tâm linh, lễ hội...

Tỉnh cũng đã ban hành chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, như hỗ trợ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) từ 2-5 phòng, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/phòng, đồng thời hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn nhưng không quá 150 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 36 tháng tại các tổ chức tín dụng.

Tỉnh cũng hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng nhà hàng ẩm thực kết hợp đặc sản, hàng lưu niệm có quy mô 200m2 trở lên, sức chứa trên 100 khách, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/m2 xây dựng, tối đa không quá 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ 10% giá trị phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch (trên 20 khách) cho tổ chức, hộ gia đình mua sắm phương tiện giao thông thô sơ để vận chuyển nhưng không quá 50 triệu đồng/phương tiện.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đào tạo lao động cho các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/dự án.

Trước mắt, từ nay đến năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh dành kinh phí 14 tỷ đồng để thực hiện chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch.

Năm 2018, tỉnh đã triển khai Dự án Làng Văn hóa, du lịch Khmer, với tổng vốn đầu tư 25,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư 8 tỷ đồng, số tiền còn lại được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Hiện Dự án này đã ra mắt và đưa vào khai thác Con đường bích họa tại ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, gồm 28 bức tranh vẽ trên những bức tường nhà dân, tái hiện hình ảnh văn hóa, sinh hoạt đời thường, hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Khmer.

Đầu tháng 9, tỉnh cũng làm lễ ra mắt điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, ở xã Hòa Minh, huyện Châu Thành. Cồn Chim có diện tích tự nhiên 60ha, nằm giữa sông Cổ Chiên, còn giữ được nhiều nét văn hóa của vùng quê Nam bộ, với cảnh quan môi trường thân thiện, không khí trong lành, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sạch.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 5/2019 đến nay, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim đã đón gần 20 tour du lịch, với gần 700 lượt khách được các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch đánh giá cao về chất lượng dịch vụ.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, nhờ những động thái tích cực cùng chính sách ưu đãi đã tạo cho du lịch Trà Vinh có bước phát triển mới.

Trên cơ sở này, Trà Vinh tiếp tục phấn đấu với mục tiêu năm 2020, đón khoảng 1,4 triệu lượt khác, tổng doanh du lịch đạt trên 372 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.