Trải nghiệm "Một ngày làm nông dân Sa Pa"

Trải nghiệm thú vị với "Một ngày làm nông dân Sa Pa"

Với "Một ngày làm nông dân Sa Pa," du khách sẽ được đi rừng tự tay hái lá thuốc; tham gia các công đoạn dệt lanh, thêu thổ cẩm và cày cấy trên ruộng bậc thang.
Trải nghiệm thú vị với "Một ngày làm nông dân Sa Pa" ảnh 1NDu khách trải nghiệm ''Một ngày làm nông dân Sa Pa''. (Nguồn: laocai.gov.vn)

Nằm trong chuỗi các hoạt động chính của Tuần Văn hóa-Du lịch Sa Pa năm 2014, chương trình "Một ngày làm nông dân Sa Pa" khai mạc ngày 3/5 tại xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước tham gia.

Tả Phìn lâu nay nổi tiếng với thổ cẩm rực rỡ, nay còn được du khách biết đến nhiều hơn bởi dịch vụ tắm thuốc của người Dao đỏ, các phong tục truyền thống độc đáo và nghệ thuật ẩm thực đặc sắc.


Đi rừng hái lá thuốc

"Tả Phìn hấp dẫn là bởi nó mang đến nhiều cung bậc cảm xúc từ tò mò, thích thú đến choáng ngợp và thư giãn, hưởng thụ," ông Smith đến từ bang California (Mỹ) chia sẻ.

Trung tâm xã Tả Phìn nép mình trong một thung lũng đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, cách thị trấn Sa Pa 12km về phía Đông Bắc. Theo các nhà nghiên cứu, bài thuốc tắm của người Dao đỏ ở Tả Phìn có nhiều loại cây hơn so với bài thuốc của các nhóm người Dao khác. Số cây thuốc trong một bài thuốc tắm dao động từ 10 đến hàng trăm loại, tùy mục đích sử dụng.

Người dân ở đây thường chỉ dùng hơn chục cây thuốc quan trọng nhất cho mỗi nồi thuốc tắm.

Lý Tá Mẩy là một trong số ít phụ nữ ở Tả Phìn kinh doanh dịch vụ tắm thuốc người Dao đỏ. Mỗi tháng, chị đón hơn chục khách.

Dẫn đầu đưa một đoàn du khách đi rừng lấy lá thuốc và học cách sử dụng thảo dược, chị Lý Tá Mẩy vừa đeo gùi lên vai vừa cầm con dao quắm, thoăn thoắt leo lên sườn núi lưng nhà mình để lấy lá.

"Có cây ở rừng, nhưng có cây phải trồng ở vườn kia," chị Lý Tá Mẩy chỉ ra mảnh vườn rộng trước nhà. "Không phải ai cũng biết nhặt cây thuốc đâu. Cả bản có hơn chục người thôi."

Vừa hái lá chị vừa giới thiệu và trả lời du khách cặn kẽ về công dụng từng loại cây.

Bài tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Tả Phìn có khá nhiều công dụng để chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp hay cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi đẻ, người sau khi ốm. Người lao động nặng nhọc, mệt mỏi, sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ được hồi phục.

Thuốc tắm của người Dao đỏ không chỉ đơn thuần là một phương pháp chăm sóc sức khỏe mà còn là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa của người Dao.


Tự tay làm vải thổ cẩm

Sau khi cùng người dân lên rừng lấy thuốc và chuẩn bị thuốc tắm, du khách tiếp tục được học cách làm vải thổ cẩm, thêu hoa văn theo quy trình truyền thống dân tộc Dao đỏ.

Bằng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, chàm…, bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ Dao đã thêu, dệt nên những tấm vải đủ màu sắc, hoa văn mang đậm giá trị bản sắc dân tộc.

Không ít du khách phải trầm trồ khi nhìn thấy những đôi tay tài hoa thoăn thoắt của các phụ nữ Dao dệt nên những sản phẩm đẹp mắt như túi xách, nón, trang phục, tranh, khăn…

Chị Mai Thị Ngọc, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu được cầm những sợi lanh đầy màu sắc, hào hứng cho biết: "Khi nhìn các sản phẩm lưu niệm tuyệt đẹp này được bày bán trong các cửa tiệm, tôi không nghĩ nó phải trải qua nhiều giai đoạn công phu như vậy."

Nhiệt tình hướng dẫn cho các vị khách tò mò về cách pha màu, dệt vải, chị Tẩn Tả Mẩy cho biết công đoạn công phu nhất vẫn là trang trí hoa văn. Các du khách được học cách cầm kim, xoắn chỉ và đếm sợi. Ban đầu học thêu đường thẳng trước, sau đó mới học thêu đường móc và thêu các hoa văn đơn giản, thường bắt đầu bằng việc thêu những hoa văn ở tay áo, gấu quần.

Vừa hướng dẫn cách thêu hoa văn thổ cẩm, các bà, các chị còn giải thích cho du khách biết ý nghĩa của những hoa văn, đường nét truyền thống đó.

Nhiều du khách không giấu được sự thích thú khi tự tay thể hiện được những hình ảnh của thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá hay ong bướm, chim chóc… qua những đường chỉ của mình. Dù còn thô sơ nhưng mỗi tấm vải được một bàn tay dệt nên đều mang một dấu ấn cá nhân rõ rệt.

Và cày cấy trên ruộng bậc thang

Ngoài tham gia đi rừng lấy thuốc, học cách làm thổ cẩm, thêu hoa văn, du khách còn được khám phá ngôi nhà và phong tục truyền thống của dân tộc Dao, được cầm cày làm nông dân điều khiển trâu cày trên những thửa ruộng bậc thang thật là thú vị.

Khi trở về bản, du khách cùng làm những bữa ăn truyền thống và thưởng thức ẩm thực dân tộc tại Tả Phìn.

Ông Smith cũng như nhiều du khách trong nước khác không phải lần đầu tiên tham gia chương trình "Một ngày làm nông dân Sa Pa." Nét hấp dẫn thu hút du khách ở trong và ngoài nước muốn quay trở lại Lào Cai chính là để họ có cảm giác "hòa nhập, gần gũi, biết yêu quý thiên nhiên, từ đó trân trọng bản sắc văn hóa phong phú đặc sắc của người dân bản địa"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.