Con nghê là một trong những linh vật phổ biến trong văn hoá truyền thống Việt Nam. Hình tượng này xuất hiện khá sớm trong lịch sử mỹ thuật và điêu khắc cổ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Đoàn Thu Hương (Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), hiện nay, khi triển khai công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (việc di dời các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam), nhiều đơn vị, địa phương vẫn tỏ ra “rối” khi nhận diện linh vật này.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) về danh xưng, hình tướng cũng như ý nghĩa biểu tượng… của con nghê.
Sự thay đổi qua các thời kỳ
- Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, hình tượng con nghê xuất hiện từ khi nào, thưa nhà nghiên cứu?
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: Bên cạnh hệ thống tứ linh (long, ly, quy, phượng), nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt. Nó xuất hiện từ khá sớm và đi suốt chiều dài lịch sử từ dân gian đến cung đình, trong đó, hai không gian mà nghê xuất hiện rất nhiều là đình và chùa.
Một trong những bằng chứng quan trọng cho thấy sự xuất hiện của nghê là văn bia “Minh tịnh tự bi văn” thời Lý (tìm thấy ở nghè thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
- Vậy, trong lịch sử, tạo hình của con nghê có đặc điểm gì nổi bật?
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: Nghê là con vật mang tính hư cấu và chính sự hư cấu này tạo nên bản sắc Việt cho nghê. Nó thể hiện sự sáng tạo của những người nghệ nhân Việt.
Trong tâm thức của người Việt, con nghê có hình dạng cơ bản là con chó. Hay nói khác đi, con nghê chính là con chó biến điệu ra.
Tuy nhiên, cũng như các linh vật khác, tạo hình nghê có sự biến hóa và thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Bên cạnh đó, do nhu cầu thiêng hóa, nghê có nhiều dạng thức khác nhau như: sư tử nghê, long nghê, kỳ lân nghê, khuyển nghê.
Sư tử nghê gắn bó mật thiết với Phật giáo (thường cõng tòa sen), xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Lý-Trần. Sư tử nghê thân thường mập và ngắn.
Long nghê được tạo hình theo kiểu: đầu rồng, miệng lớn, râu dài, bắp chân có chớp lửa. Dạng thức này phổ biến ở thời Lê Trung Hưng, chủ yếu xuất hiện trên bờ mái các công trình kiến trúc với danh xưng là “con kìm.”
Kỳ lân nghê thời Lê Trung Hưng thường đứng chầu bên hương án, cửa khám với một số đặc điểm tạo hình như: mình vẩy, lưng có sừng…
Ở thời Nguyễn, kỳ lân nghê đầu không có sừng, xuất hiện nhiều ở những nơi tôn nghiêm như điện Thái Hòa (kinh thành Huế)…
Khuyển nghê mang đặc tính chó nhiều nhất, mình không có vảy, đầu không có sừng, dáng hình mập, thường đội bảng văn hay cối cửa, thành bậc.
Chỉ hiệu về cõi thiêng
- Với nhiều dạng tạo hình và xuất hiện ở nhiều nơi như vậy, nghê có ý nghĩa biểu tượng gì, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: Con nghê xuất hiện rất nhiều nhưng vai trò là vật trấn yểm (như nhiều người vẫn lầm tưởng hiện nay) thì hầu như không rõ. Nó là một chỉ hiệu về cõi thiêng nhiều hơn là chức năng trấn yểm.
Văn hóa của Việt Nam không bắt con nghê diễn những vai trấn yểm, dọa nạt. Nó có hai chức năng cơ bản: lời chào đón với sắc thái hoan hỉ hoặc tạo ra sự thương cảm ở các đền miếu. Tới thời Nguyễn, nghê có thêm một ý nghĩa nữa là con vật soi xét, phân biệt ngay-gian, tà-chính. Bởi thế, dân gian thường bảo “nghê chầu, phượng múa.”
Nói rộng ra, không chỉ nghê mà các linh vật khác của Việt Nam như sư tử đá, con sấu… đều không mang sắc thái dọa nạt hay có chức năng trấn yểm.
Điều đó thể hiện quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa của Việt Nam.
- Đây có phải là đặc điểm lớn nhất phân biệt linh vật Việt với sư tử đá Trung Quốc nói riêng hay các linh vật ngoại lai khác nói chung, thưa anh?
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: Hiện nay, một bộ phận công chúng đang bị lầm lẫn về văn hóa. Để có sự nhận diện, phân biệt rõ ràng linh vật thuần Việt với linh vật ngoại lai, chúng ta cần xuất phát từ “gốc” văn hóa.
Văn hóa Trung Quốc có nhu cầu về danh vọng. Bởi vậy, sư tử đá Trung Quốc thường được tạo hình theo kiểu sư tử bố ở trên và sư tử con ở dưới (theo ý nghĩa Thái sư và Thiếu sư. Thái sư và Thiếu sư là hai chức quan lớn trong triều đình). Sử dụng những con sư tử này, người ta mong muốn, hướng tới sự hiển đạt, thành công trên con đường danh vọng cho con cái, hậu duệ.
Bên cạnh đó, sư tử đá Trung Quốc còn được sử dụng với mục đích trấn yểm, canh gác lăng mộ, đền đài… Bởi thế, nó thường được tạo hình theo kiểu dữ tợn, đe dọa với vẻ gân guốc, mắt trợn, răng nanh sắc nhọn…
Trong khi đó, truyền thống văn hóa của người Việt không như vậy. Với người Việt, sư tử cũng là linh vật nhưng nó có những điểm khác biệt lớn so với sư tử Trung Quốc.
Sư tử Việt thường được tạo hình theo: trên trán thường có chữ “vương,” mình mập, thân mình phủ kín loại vân xoáy (hay còn gọi là hình thức lôi văn), miệng ngậm ngọc…
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng trống về giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và về các mẫu linh vật thuần Việt nói riêng. Sự gắn kết giữa các nhà khoa học với các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ hầu như là không có.
Việc chế tác và sử dụng các mẫu linh vật ngoại lai (như sư tử đá theo tạo hình Trung Quốc) trong thời gian qua một phần cũng là do sự thiếu hiểu biết.
- Hiện nay, có ý kiến cho rằng, khi di dời linh vật ngoại lai khỏi các di tích, thì nên đưa các linh vật thuần Việt vào thay thế ở những vị trí đó. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: Quan điểm của tôi là có những cái bỏ đi rồi thì không thể thay thế được bằng cái khác bởi vị trí đó trong di tích vốn không có.
Chủ trương di dời linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, các biểu tượng, sản phẩm vốn không có trong hồ sơ xếp hạng di tích là một việc rất đúng đắn, trả lại không gian tín ngưỡng vốn có của di tích.
Còn việc đưa các linh vật Việt vào di tích thì cần sự nghiên cứu cụ thể xem linh vật đó có phù hợp với di tích hay không, chứ không phải cứ linh vật thuần Việt là đưa vào tùy tiện.
- Trân trọng cảm ơn anh!
Lần đầu tiên, "bộ sưu tập" 60 hiện vật liên quan đến hai linh vật thuần Việt (sư tử, nghê) có niên đại từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến thời Nguyễn đang được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” (diễn ra từ ngày 7-17/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)
Trước đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 352/MTNATL (ngày 19/8) về việc giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, Thanh tra văn hóa.
Kèm theo công văn là tập tư liệu hình ảnh một số mẫu tượng linh vật hiện được sử dụng tại các di tích và được lưu giữ tại một số bảo tàng. Theo đó, con sấu, sư tử đá, con nghê là các linh vật phổ biến trong văn hoá truyền thống Việt Nam.