Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly - một trong những người tiên phong trong lĩnh vực múa đương đại ở Việt Nam luôn “chuyển động” dù không phải ở trên sàn diễn. Những cái nháy mắt đầy cá tính của chị cuốn người đối diện vào cuộc hành trình “giải mã” nguồn năng lượng và nỗ lực cân bằng (giữa nghệ thuật và đời sống) của một nghệ sỹ luôn say mê, khát khao cống hiến.
Trần Ly Ly tạo cho người viết cảm giác gần gũi bằng những câu chuyện đời, chuyện nghề cởi mở nhưng cũng không kém phần rất sâu sắc. “Múa (đặc biệt là lĩnh vực múa đương đại) không chỉ là câu chuyện của những chuyển động cơ thể. Đó còn là câu chuyện của trí não, tư duy, sức tưởng tượng. Đôi khi, không phải cứ có kinh phí, có tiền đầu tư là có thể làm được,” biên đạo múa Trần Ly Ly chia sẻ.
Với tâm niệm “muốn lớp trẻ liên tục thay đổi bằng việc đẩy họ về phía trước,” Trần Ly Ly lui về hậu trường, giữ vai trò “người kết nối.”
Quyết định táo bạo
- Thời gian gần đây, chị vắng bóng ở “ghế nóng” của nhiều gameshow hay vị trí người “cầm cân nảy mực” của nhiều cuộc so tài trên truyền hình. Có lý do gì đặc biệt không, thưa chị?
Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly: Ở mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, mình phải đưa ra những lựa chọn, ưu tiên khác nhau.
Hiện nay, với vai trò người đứng đầu một đơn vị nghệ thuật hàng đầu của cả nước, tôi buộc phải tập trung hơn cho công việc quản lý, tổ chức và phát triển nhà hát [nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly hiện giữ quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) - PV].
Nghĩ lại, việc chuyển công tác và đưa cả gia đình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội của tôi đúng là một quyết định táo bạo. Thậm chí, năm ngoái, khi tôi đưa ra quyết định này, nhiều người còn bảo tôi liều lĩnh, không lường trước được hết những khó khăn. Tuy nhiên, tôi rất may mắn khi nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả hai bên gia đình nội, ngoại.
[Huyền thoại ballet Cuba được vinh danh là "Ngôi sao Thế kỷ"]
Quyết định táo bạo ấy đã “khoác” lên vai tôi những trách nhiệm lớn lao nhưng cũng cho tôi những trải nghiệm rất thú vị. Hơn nữa, trước đây, tôi từng làm quản lý (cả về nhân sự, tài chính, nội dung…) cho nhiều dự án nghệ thuật lớn nên cũng không quá bỡ ngỡ trong vai trò mới.
Tôi nghĩ, khó khăn thì bất cứ ở đâu hay bất cứ lúc nào cũng có. Điều quan trọng là cách mình đối diện và vượt qua nó. Tôi tin, khi mình thực sự đam mê, quyết tâm và có chiến lược, kế hoạch cụ thể thì mình sẽ làm được.
- Vậy, với vai trò “người đứng mũi chịu sào,” chị làm thế nào để “cả đoàn tàu” chuyển động theo mình?
Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly: Chúng tôi quyết tâm và không ngừng nỗ lực để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá cho VNOB. Để làm được điều đó, chúng tôi xác định các giá trị cốt lõi, xây dựng tầm nhìn và đưa ra những chiến lược, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và cả dài hạn.
Với vai trò là “đầu tàu,” tôi tự đặt cho mình trách nhiệm truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho các nghệ sỹ. Tôi tin rằng, bằng tâm thiện, niềm đam mê của bản thân và việc đặt niềm tin vào các nghệ sỹ, tôi sẽ “lôi kéo” được tất cả cùng chuyển động.
Cái “tôi” của những người làm nghệ thuật rất lớn. Với họ, chuyện kinh tế, tiền bạc không phải là tất cả. Khi có niềm tin và cảm hứng, họ sẽ nhiệt huyết sáng tạo, cống hiến.
- Từ trước đến nay, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, kinh phí của các đơn vị nghệ thuật công lập khá eo hẹp. Việc bán vé cho những chương trình nghệ thuật hàn lâm hay biểu diễn múa đương đại cũng còn nhiều hạn chế. Vậy tại sao VNOB vẫn đồng hành cùng nhiều đơn vị khác trong việc tổ chức những sân chơi như Liên hoan múa Hà Nội - Hanoi Dance Fest 2019 vừa qua?
Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly: Từ trước Hanoi Dance Fest 2019, VNOB cũng đã đồng hành trong các chương trình như Liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á-Âu” trong nhiều năm.
Cá nhân tôi cũng như VNOB luôn muốn tạo ra những “sân chơi” cho các nghệ sỹ giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đó là những cơ hội rất tốt để họ mở rộng cả tư duy, kỹ thuật và kết nối mạng lưới công việc, tự giới thiệu bản thân với những nghệ sỹ quốc tế để tạo ra những cơ hội học tập, làm nghề cho chính mình.
Qua từng mùa tổ chức, chúng tôi muốn câu chuyện phải mới hơn, tốt hơn, vượt thoát khỏi những quy tắc cũ mòn. Trong khuôn khổ các chương trình đó, luôn có những buổi workshop để những người đi trước, các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho lớp trẻ. Lĩnh vực múa không chỉ đơn thuần là sự tương tác, làm việc giữa biên đạo và diễn viên, mà còn phải kết hợp với rất nhiều yếu tố khác như: âm nhạc, ánh sáng…
Từ đó, Hanoi Dance Fest hướng đến việc tạo ra một sân chơi cho các biên đạo trẻ tài năng, khuyến khích những ý tưởng mới mẻ cũng như những hợp tác đa ngành giữa các biên đạo trong nước và quốc tế cùng với nhiều nghệ sỹ làm việc ở những lĩnh vực khác.
Cá nhân tôi luôn khuyến khích việc nghệ sỹ “ra đi.” Nếu cứ ở mãi cái “ao làng” thì chúng ta biết gì? Bây giờ vị trí địa lý không còn là vấn đề quá quan trọng, miễn là nghệ sỹ có thể học hỏi, trau dồi kỹ năng và phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của mình.
Tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng, phải học liên tục, cái gì hay thì học, chỗ nào hay thì phải đến học; hãy học, thu nhận rồi biến nó thành của mình. Nói khác đi là, các bạn hãy “ra đi” để “trở về.” Bản thân tôi cũng đã đi một thời gian khá dài và tôi thu nhận được những kiến thức, kinh nghiệm rất bổ ích (mà nếu ở Việt Nam thời gian đó, tôi sẽ không thể có được).
Nấu ăn để... xả stress
- Những nỗ lực bền bỉ của chị và những người tiên phong trong lĩnh vực múa đương đại ở Việt Nam đã tạo ra kết quả gì, thưa nghệ sỹ?
Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly: Với múa đương đại, quá trình vận động luôn có những bước trồi-sụt, lên-xuống nhưng nó vẫn luôn tiến về phía trước. Chúng ta cần phải hiểu bản chất của câu chuyện là sự vận động tiến về phía trước. Đôi lúc, chúng ta không nhìn rõ sự phát triển ngầm của nó nhưng thực chất, loại hình này vẫn luôn tồn tại, vận động để đến một giai đoạn khác bùng lên.
Tôi cho rằng, từ năm ngoái, chúng ta đang chứng kiến sự bùng lên đó. Các nghệ sỹ có sân chơi liên tục, nhiều tác phẩm ra đời, các nghệ sỹ người Việt đang học tập, làm việc tại nước ngoài cũng đưa những sáng tác mới của họ về nước biểu diễn, giới thiệu…
Nói rộng ra, so với trước đây, múa đương đại hiện nay ở Việt Nam được nhìn nhận đa chiều hơn, được tạo điều kiện nhiều hơn để phát triển. Nó khẳng định được chỗ đứng riêng của một loại hình nghệ thuật. Khi tôi mới về Việt Nam, việc giới thiệu một vở múa đương đại khá khó khăn bởi nó trừu tượng. Đến nay, khán giả dần dần hiểu và yêu thích múa đương đại hơn.
Khoảng 10 năm trước, trong các trường đào tạo nghệ thuật không có bộ môn múa đương đại. Tuy nhiên, đến nay, các trường đã xây dựng nó thành bộ môn độc lập. Với múa đương đại, nghệ sỹ hoàn toàn có thể vượt thoát khỏi những quy chuẩn cũ. Nó giải phóng nhiều về cả hình thể và tư tưởng. Bởi vậy, bộ môn này thu hút khá nhiều bạn trẻ quan tâm, theo học.
Nhìn chung, hiện nay, kỹ thuật của diễn viên múa khá tốt nhưng tư tưởng, trí tưởng tượng cần được mở rộng hơn nữa để bắt kịp với môi trường, ngôn ngữ quốc tế.
- Quá trình phát triển của loại hình nghệ thuật này có gặp phải “rào cản” gì không, thưa chị?
Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly: Dùng từ “rào cản” thì nghe hơi to tát nhưng thực tế, múa đương đại chưa được hỗ trợ về mặt tài chính. Hiện nay, Việt Nam chưa có những đoàn nghệ thuật chuyên về múa đương đại hoặc những quỹ văn hóa tài trợ cho loại hình này, để các nghệ sỹ có nguồn lực sáng tạo.
Thực tế, việc VNOB hay các tổ chức (như Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội…) và nhiều cá nhân khác có hỗ trợ nhưng vẫn dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, chưa tạo được thành một dòng chảy quy mô.
- Việc vừa đứng ở vị trí quản lý vừa đảm nhận vai trò nghệ sỹ sáng tác có làm khó chị không?
Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly: Tất nhiên là khó nhưng tôi buộc phải phân định ra. Bây giờ, tôi không thể chỉ nghĩ cho riêng mình mà phải ưu tiên việc tổ chức, đào tạo, tạo điều kiện để đẩy lớp trẻ “bay lên.” Tôi muốn hỗ trợ các bạn trẻ những điều kiện tốt nhất (trong phạm vi mình có thể làm) để lớp trẻ được học hỏi, làm nghề đúng nghĩa.
Với vai trò “đầu tàu,” tôi phải xác định hướng đi của cả nhà hát, không thể chỉ “bo bo” cho bản thân mình là một nghệ sỹ sáng tác.
- Vậy những lúc gặp áp lực trong công việc, chị thường làm gì để xả stress?
Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly: Vốn dĩ, tôi rất thích nấu ăn. Giữa những áp lực, mệt mỏi, tôi thường vào bếp nấu nướng. Cảm giác chế biến nguyên liệu thành những món ăn cũng rất thú vị. Khi đó, tôi được sống trong thế giới riêng để thỏa sức sáng tạo theo ý mình. Tôi tin, khi mình làm bằng sự say mê, thực tâm thì sẽ mang đến cảm giác ấm áp cho những người thân, bạn bè xung quanh.
- Trân trọng cảm ơn chị!./.